Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử Việt Nam và Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam 2011

Hội thảo đã khai mạc sáng nay 14/7/2011 tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm Sài gòn (SECC) số 799 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7-TP.Hồ Chí Minh, do Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp với Bộ TT&TT, UBND TP.HCM, Hội tin học TP.HCM và Công ty IDG Việt Nam đồng tổ chức.

img
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại Hội thảo

Tới dự buổi Hội thảo có Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT; Ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ - Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT; Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ TT&TT; Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM; ông Bob Carrigan, Tổng giám đốc-IDG Communications, cùng gần 500 đại biểu đại diện Lãnh đạo tỉnh, thành; Bộ, Ban, Ngành TW và địa phương; Hội tin học Việt Nam; Hội tin học TP.HCM; quan khách trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

img

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Hội thảo luôn được coi là diễn đàn hàng đầu của lãnh đạo các cấp, các chuyên gia và những người quan tâm tới Chính phủ điện tử (CPĐT). Đây là sự kiện cấp cao đánh giá toàn diện việc thực hiện các dự án CPĐT tại Việt Nam, cũng như kế hoạch triển khai trong tương lai… Bình quân của ngành CNTT-TT tăng trưởng luôn đạt 20-25%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trên 62% hộ gia đình có máy điện thoại cố định; 1,27 thuê bao ĐTDĐ/người; 100% cơ quan nhà nước có mạng dùng riêng; gần 15% hộ gia đình có máy tính kết nối internet. Hiện có trên 94.000 dịch vụ công trực tuyến, với 775 dịch vụ công mức độ 3; 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (thanh toán qua mạng).

img

Hội thảo “Chính phủ điện tử (CPĐT) gắn với cải cách hành chính”, là chủ đề xuyên suốt, dịp này các diễn giả sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần mở ra tầm nhìn, học hỏi lẫn nhau, đề xuất các nội dung, biện pháp cụ thể nhằm nhanh chóng xây dựng một CPĐT hiệu quả, thiết thực, bền vững và thành công ở Việt Nam định hướng đúng trong việc xây dựng CPĐT giai đoạn 2011-2015. Thực hiện CPĐT cần có sự ủng hộ, quyết tâm hành động cao, quyết liệt của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW và địa phương; cải cách thủ tục hành chính phải gắn kết với ứng dụng CNTT&TT; chủ động triển khai xây dựng CPĐT, CQĐT theo sự hướng dẫn của Bộ TT&TT có sự phối hợp đồng bộ của nhân dân và các doanh nghiệp. Các dịch vụ công phải thật sự hữu ích, thuận tiện, dễ sử dụng. Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ TT&TT nắm bắt tình hình để hướng dẫn và tháo gỡ các khó khăn; Cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách, các cơ chế đặc thù, các chính sách cụ thể để thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hoá, xây dựng, phát triển và ứng dụng CNTT&TT…

img

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM mong muốn Hội thảo phải là nơi quy tụ của UBND các tỉnh, thành; của lãnh đạo các bộ, ngành. CPĐT phải là việc của chính quyền, không chỉ là việc riêng của giới CNTT, khi nào làm được như vậy CNTT mới có thể phát triển mạnh mẽ.    

Tiếp đó, ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng, Vụ CNTT đã giới thiệu sách trắng về CNTT-2011 do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ TT&TT cùng các Bộ, ngành liên quan, các sở TT&TT, hiệp hội, doanh nghiệp về CNTT tổ chức chức thực hiện và phát hành. Sách trắng này nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển ngành CNTT-TT Việt Nam.

 Trong 2 ngày 14 và 15/7/2011 nhiều buổi hội thảo với nhiều vấn đề được tổ chức như: “Thị trường CNTT thế giới năm 2010-2011" do ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM trình bày, "Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”; Bài: “Toàn cảnh công nghệ thông tin truyền thông năm 2010-2011” của Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT; Nghiên cứu: “Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam –hiện tại và dự báo cho 5 năm tới” của bà Mã Tố Trinh, Giám đốc nghiên cứu thị trường Cty IDC VN, và Báo cáo Xếp hạng Doanh nghiệp công nghệ thông tin truyền thông năm 2010-2011 của ông Lê Trung Việt–TBT Tạp Chí PC World. Đối với những vấn đề liên quan mật thiết đến CPĐT và lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, các đại biểu sẽ được chia sẻ và trao đổi với các diễn giả trong nước và quốc tế (Hàn quốc; Malaysia; Singapor; Úc; Thụy Điển; Nhật Bản…) với một số nội dung như: Vấn đề liên kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Giải pháp và ứng dụng công cụ phục vụ cơ quan điện tử; Xây dựng cơ quan điện tử gắn với cải cách hành chính tại Tp.HCM; Các xu hướng gia công toàn cầu–cơ hội và thách thức đối với ngành gia công phần mềm Việt Nam; Dịch vụ BP0 và sự phát triển tại Việt Nam; Hệ thống Thuế điện tử, Hải quan điện tử; Chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của Singapore; Vấn đề đảm bảo nhân lực cho triển khai Chính phủ điện tử -góc nhìn từ địa phương; Hộ chiếu điện tử; Kiến trúc Service Oriented Architecture–Nền tảng cho các giải pháp Enterprise– E. government và ứng dụng Cloud; Điện Toán Đám Mây–và ứng dụng tại VN; Kinh nghiệm triển khai CPĐT tại một số quốc gia; Mã Nguồn Mở-Ứng dụng cho E.Government; Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động CCHC lĩnh vực cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; Phần Mềm Nhúng cho Mobile Devices–Cơ hội và thách thức với VN; Ứng dụng nguồn mở trong triển khai hệ thống một cửa điện tử cấp huyện; Nền tảng AMD–Kỷ nguyên mới của máy tính cá nhân; Kinh nghiệm Ứng dụng CNTT hiệu quả tại tỉnh Đồng Tháp; Sản phẩm giải pháp phần cứng, hệ thống phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; Hệ thống Báo cáo thống kê điện tử của Ngân hàng Nhà nước VN; An ninh thông tin cho triển khai Chính phủ điện tử; Mô hình Ứng dụng CNTT cấp quận, huyện; Rò rỉ thông tin nội bộ-Rủi ro, hậu quả và phương hướng ngăn chặn hiệu quả; Định hướng Chính phủ điện tử ngành tài nguyên môi trường; Mô hình Công sở Điện tử Tiêu biểu; Ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước; Các hệ thống Chính phủ điện tử địa phương tại Nhật Bản; Vấn đề bảo mật thông tin: Nguy cơ và Giải pháp; Cơ sở hạ tầng in ấn đám mây trong Chính phủ điện tử …

img

Song song cùng các cuộc Hội thảo về Chính phủ điện tử "Triển lãm quốc tế kỷ nguyên công nghệ số (VCW 16)-lần thứ 16” đã chính thức mở cửa (từ ngày 14 đến 17/7/2011). Theo Ban tổ chức, có khoảng 300 tập đoàn, công ty đa quốc gia trong nước và thế giới tham gia, với hơn 400 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ cho ngành CNTT và TT và dự kiến thu hút hơn 220.000 khách tham quan.

img

Tuy nhiên, quan sát thực tế, giới truyền thông đa phần có chung nhìn nhận: Triển lãm năm nay không nhộn nhịp và hoành tráng như những lần trước, đến 11giờ ngày 14/7/2011 chưa tới 100 gian hàng lớn-nhỏ tham gia. Ông Ph.N.T, GĐ Cty cung cấp máy tính cho nhiều dự án, và GĐ Cty C.L đều cho rằng: trong bối cảnh kinh tế khó khăn việc các doanh nghiệp tham gia vào triển lãm cũng được cân nhắc rất kỹ về tính hiệu quả. Doanh nghiệp nước ngoài năm nay cũng thấy vắng bóng các “đại gia” như: IBM; Intel; Microsoft…
 

img

Trước đó, chiều 13/7/2011 tại Nhà hát lớn TP.HCM, Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh (HCA) đã tổ chức trao giải “Huy chương vàng và Top 5 CNTT Việt Nam 2011”. Đây là lần thứ 3 giải được tổ chức, có 37/39 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực, phần mềm, phần cứng, dịch vụ tích hợp hệ thống, internet, đào tạo CNTT nộp hồ sơ tham gia được xét chọn. Giải thưởng Huy chương vàng (xếp từ 01 sao đến 5 sao) và  được chi thành 7 nhóm. Kết quả, Giải nhất nhóm đơn vị phần cứng: Cty TNHH sản phẩm Công nghệ FPT; Giải nhất nhóm đơn vị tích hợp hệ thống CNTT: Cty CPDV Công nghệ HPT; Giải nhất nhóm đơn vị bán lẻ CNTT: Cty CPTM-DV Phong Vũ; Giải nhất nhóm đơn vị Internet, viễn thông: Cty điện toán&truyền số liệu VDC; Giải nhất nhóm đơn vị phần mềm: Cty CP MISA; Giải nhất nhóm đơn vị đào tạo: Aptech Việt Nam. Top 5 CNTT-TT Việt Nam, có 32 cup được chia thành 8 nhóm- tương tự như trên, nhưng không có nhóm phần cứng và thêm nhóm “Top 5 máy tính thương hiệu Việt Nam” và nhóm “đơn vị xuất khẩu phần mềm”.  

img

Nguồn: CQĐD Bộ TT&TT tại TP.HCM