Miền Tây Nam bộ: Bài toán khó về Nguồn nhân lực cho phát triển CNTT–TT

Ngày 14/12/210, tại TP.Cần Thơ, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Công nghệ thông tin và truyền thông vì sự nghiệp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển CNTT-VT theo hướng hiện đại phục vụ phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ.

img
Thứ trưởng Trần Đức Lai phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Đức Lai chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ-Võ Thành Thống; Đại diện VP Ban chỉ đạo phát triển Tây Nam Bộ, đại biểu các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Lãnh đạo 13 Sở TT&TT khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ đã về dự, ngoài ra còn có Tập đoàn VNPT; các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ngành CNTT&TT.
Sau phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Trần Đức Lai, Hội nghị đã dành phần lớn thời gian buổi sáng nghe Ts. Phạm Mạnh Lâm - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT-Bộ TT&TT thay mặt Ban soạn thảo, trình bày những nét cơ bản của báo cáo quy hoạch (dự thảo) phát triển CNTT&TT vùng Vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (VKTTĐ) đến năm 2020. Theo báo cáo, hiện trạng CNTT&TT ở khu vực này, hầu hết các chỉ tiêu đều ở mức dưới trung bình so với cả nước. Đáng lo ngại là các chỉ số về công nghiệp, công nghệ thông tin và viễn thông đều ở mức thấp, hoạt động CNTT&TT hầu hết với hình thức thủ công và chỉ tập trung chủ yếu ở Cần Thơ. Con số 1000 tỷ đồng doanh thu của khu vực này, thì Cần Thơ chiếm tới 945 tỷ đã minh chứng cho việc phát triển không đồng đều ở các địa phương. Chỉ số ICT Index tại Cần Thơ lại đang tụt hạng (Cần Thơ xếp thứ 4-năm 2006) so với cả nước; Cà Mau thứ 41…đến năm 2010 Cần Thơ thụt xuống vị trí 20, Cà Mau ở vị trí 61. Một khó khăn nữa là VKTTĐ đang thiếu nguồn nhân lực CNTT&TT trình độ cao, nguyên nhân chính do lực lượng này bị “chảy” qua các VKTTĐ khác, đây là điều trăn trở, bức xúc của hầu hết các đại biểu mà không thể “một sớm, một chiều” giải quyết được, nếu không có sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan hữu quan.

Ts. Phạm Mạnh Lâm  trình bày những nét cơ bản của báo cáo quy hoạch phát triển CNTT&TT vùng Vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long  đến năm 2020

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ Ban chỉ đạo phát triển Tây Nam Bộ, của các GĐ Sở TT&TT: Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ… tham gia, trong đó đều nêu vấn đề nguồn nhân lực. Qua đó, cho thấy đây thực sự là bài toán mà ẩn số vẫn còn ở đâu đó ! và được xem là “nóng” nhất ở khu vực này.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn cán bộ Bộ TT&TT tại miền Tây Nam bộ. Chiều ngày 13/12/2010, Thứ trưởng Trần Đức Lai đã dẫn đầu tới thăm: VNPT Cần Thơ-Hậu Giang; Bưu điện TP. Cần Thơ và Chi nhánh Viettel Cần Thơ, cùng đi có GĐ Sở TT&TT Cần Thơ-Nguyên Trung Nhân. Lãnh đạo các đơn vị đã nồng nhiệt tiếp đón Đoàn. Thứ trưởng Lai đã thăm hỏi chân tình CBCNVC các đơn vị, đồng thời biểu dương sự cố gắng vượt khó để có những thành tích rất đáng khích lệ. Thứ trưởng cũng chỉ đạo trong thời gian tới, các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ quản giao. Với VNPT Cần Thơ-Hậu Giang cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực CNTT và năng động tìm thêm những dịch vụ giá trị gia tăng để khai thác tốt, có hiệu quả năng lực mạng lưới, cơ sở hạ tầng hiện có. Thứ trưởng động viên Bưu điện Cần Thơ cố gắng nhanh chóng giảm lỗ trong hoạt động bưu chính. Từ thực tiễn, cần mạnh dạn kiến nghị và đề xuất những giải pháp với TCty để khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh của mình. Đối với chi nhánh Viettel Cần thơ, cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý các thuê bao di động trả trước.

Buổi chiều, các doanh nghiệp: VDC, FPT, VNet, Lạc Việt và Việt Software.. qua thực tiễn được trải nghiệm ở nhiều nơi trên toàn quốc, những bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Các diễn giả đã đưa đến cho Hội nghị những giải pháp về công nghệ về CN CNTT&VT có thể áp dụng vào VKTTĐ này. Đặc biệt là VDC (VNPT) đã đưa ra mô hình giải pháp lưu trữ trực tuyến (Web–Hosting) rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL mà đơn cử: muốn đưa thông tin lên mạng Internet nhưng chưa có khả năng hoặc chưa đầu tư thiết bị. Hay giải pháp dựa trên nền tảng CNTT và Internet của VNet để phát triển TMĐT ở đây.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết: “…ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm đang được Bộ TT&TT xem là trọng tâm để đầu tư phát triển CNTT&TT, trong dự thảo của Viện Chiến lược nêu ra 4 tỉnh có điều kiện hơn cả so với các Tỉnh khác trong VKTTĐ này như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau sẽ giữa vai trò đầu kéo, cần cố gắng phải đi trước một bước để thúc đẩy các ngành, các địa phương khác phát triển. Tuy nhiên, rất phải có sự liên kết, phối hợp và hỗ trợ nhịp nhàng trong các bước triển khai, cũng như cần có sự trao đổi, rút ra bào học kinh  nghiệm tốt nhất”.
Riêng vấn đề nguồn nhân lực, trong thời gian tới theo dự thảo thì Bộ TT&TT sẽ tiến hành các giải pháp như tăng cường hỗ trợ chất lượng cho các trường ĐH hiện có, như: Đại Học Cần Thơ, An Giang. Xem xét và có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh và khu vực khác thành lập ra các trường, các khoa chuyên CNTT&TT. Bộ cũng sẽ cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác TT&TT ở cấp Tỉnh và từ đó các Tỉnh sẽ lo đào tạo cho cấp Huyện và Xã.
Thứ trưởng Trần Đức Lai đánh giá cao các mô hình, giải pháp mà các doanh nghiệp đã đưa ra trong Hội nghị này, đồng thời gợi ý các Tỉnh nên chọn những mô hình phù hợp nhất để phát triển CNTT&TT cho địa phương mình nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn khu vực.
Hội nghị “Công nghệ thông tin & Truyền thông vì sự nghiệp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long” là những trong việc mở đầu khai triển khai đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông"./.

Nguồn: CQĐD Bộ TT&TT tại TP.HCM