Mô hình Chính phủ điện tử Hàn Quốc: một bài học hay cho Việt Nam

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hoá cơ quan Chính phủ, xây dựng một Chính phủ điện tử hiệu quả hơn. Bài học kinh nghiệm thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.

img
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại diễn đàn FutureGov Vietnam 2010 do Công ty Alphabet Media của Singapore tổ chức ngày 1/12/2010 tại Hà Nội.

Kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc

Trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử của mình, Việt Nam đã nhận được tư vấn của nhiều quốc gia thành công. Mới đây, trong Diễn đàn FutureGov Vietnam 2010 do Công ty Alphabet Media của Singapore tổ chức ngày 1/12/2010 tại Hà Nội, chuyên gia Chang-hak Choi, Chủ tịch Cục thông tin văn hoá, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc. Chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử của Hàn Quốc năm 2010 được xếp hạng 1 (năm 2002, Hàn Quốc đứng thứ 15). Có sự thành công vượt bậc như vậy là do bốn nguyên nhân: Ý chí của Lãnh đạo, phát huy nội lực theo phương châm mọi người dân đều có thể tham gia, tinh thần của doanh nghiệp và bước tiến công nghệ nhanh đặc biệt trong CNTT. Hàn Quốc là một thành công điển hình trong xây dựng Chính phủ điện tử theo mô hình “từ trên xuống”. Vai trò của Chính phủ là then chốt trong mô hình này. Chính phủ đã thể hiện sự sáng tạo trong phát triển minh bạch và hiệu quả các dịch vụ công. Chính phủ cũng  giữ vai trò là “nhà đầu tư” ban đầu, sau đó người dân sẽ tự phát triển. Phong trào “cộng đồng tự phát triển” đã dấy lên ở Hàn Quốc những năm 1970. Sang những năm 1980, từ thành thị đến nông thôn đều tràn đầy mong muốn thay đổi. Và đến thời điểm này, Chính phủ bắt đầu đẩy mạnh chính sách phát triển CNTT dẫn đến thay đổi sâu sắc toàn xã hội.

Để phổ cập CNTT, Chính phủ đã tạo điều kiện để giảm giá máy tính (PC). Vào những năm 1990, giá 1 máy PC trên thị trường khoảng 2.000 đô la Mỹ. Chính phủ đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để thiết kế những chiếc PC rẻ hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc khi đó đã chọn một hướng đi khôn ngoan bằng cách không cạnh tranh với những hãng lớn như Samsung, LG trong sản xuất mà đi theo một “thị trường ngách” sản xuất PC cho đại đa số người dân Hàn Quốc. Giá PC từ đó liên tục giảm đến 800 đô la Mỹ và vẫn đang tiếp tục giảm.

Hàn Quốc hiện có 48 triệu dân trong đó hơn 10 triệu dân thuộc nhiều thành phần dân cư ngay cả những bà nội trợ cũng có thể sử dụng thạo máy vi tính. Có được kết quả khả quan này là do Chính phủ đã mở các phòng đào tạo miễn phí về ứng dụng CNTT tại các trường học, các trung tâm công cộng. Việc đào tạo do các công ty thực hiện và Chính phủ trả học phí thẳng cho các công ty. Hơn 10 triệu người này đã tạo ra một lượng cầu tiềm năng, dẫn đến việc phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh tạo ra một thị trường lớn ví dụ như nhiều công ty đầu tư phát triển ADSL, game online, những nội dung học tập qua e-learning... Những dịch vụ này cũng là yếu tố quan trọng để giảm khoảng cách giàu nghèo. Người nghèo ở Hàn  Quốc dù sống ở bất kỳ đâu đều có thể tham gia các khoá học qua e-learning. Người dân cũng có thể thực hiện giao dịch với Chính phủ hoặc với cộng đồng thông qua Internet. Internet tại Hàn Quốc được phổ biến tính tích hợp. Khi tiếp cận được với Internet là người dùng đã có thể tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Hiện nay, bất cứ nơi nào tại Hàn Quốc đều có thể kết nối Internet tốc độ cao. Đặc điểm bố trí dân cư Hàn Quốc sinh sống tại các chung cư tương đối đông cũng là một thuận lợi cho đầu tư phát triển mạng không dây tốc độ cao.

Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch đưa chính phủ điện tử vào các Bộ, hướng đến mục tiêu người dân chỉ cần đăng ký tại một cửa là nộp được tất cả các yêu cầu của mình. Hiện nay, Hàn Quốc đang trong giai đoạn xây dựng kết nối giữa các Bộ với nhau.

Ông Chang-hak Choi, Chủ tịch Cục thông tin văn hoá Hàn Quốc đã đưa ra ba đề xuất cho Chính phủ Việt Nam là:

1 - Có sự quan tâm thích đáng từ Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử

2 - Thực hiện kế hoạch CNTT liên tục, không gián đoạn; đánh giá xem xét, rà soát, xây dựng lại kế hoạch mỗi 2 năm hoặc 5 năm một lần.

3 - Chính phủ có hỗ trợ mạnh và có quan điểm mạnh về phát triển CNTT

Việt Nam đang đứng ở đâu?

Báo cáo của Liên Hợp Quốc xếp hạng mức độ sẵn sàng cho chính phủ điện tử năm 2010 của Việt Nam là 90/189, tăng 1 bậc so với hai năm trước. Ngày 26/3/2010, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã công bố báo cáo xếp hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối toàn cầu năm 2009-2010, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 54 trong số 133 quốc gia, tăng vọt 16 bậc so với báo cáo năm ngoái (70) và 19 bậc so với báo cáo công bố năm 2008 (73).

Những nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam

Trong thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước hết sức cụ thể, thiết thực. Tiếp theo Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước là các văn bản: Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008; Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 03/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010. Và gần đây nhất, ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1605/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015. Các văn bản có tầm quốc gia này đã được triển khai đồng bộ tại các cơ quan nhà nước và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, tạo tiền đề phát triển chính phủ điện tử cho giai đoạn mới. Cụ thể: Đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đã ứng dụng CNTT (hệ thống thông tin quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, thư điện tử, hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện) góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, thiết lập trang/cổng thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù đã có những kết quả đạt được như vậy, nhưng hiện nay vẫn còn một số hạn chế: ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước chủ yếu quy mô nhỏ cục bộ, chưa phát huy hết hiệu quả của ứng dụng CNTT. Các hệ thống thông tin chuyên ngành, quy mô quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử chưa được triển khai, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, các trang thông tin điện tử chủ yếu mới chỉ cung cấp thông tin, còn ít trường hợp người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp phép, đăng ký qua mạng.