Thảo luận sáng kiến an toàn thông tin doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

Sáng ngày 12/11/2010, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) 18 Nguyễn Du, Hà Nội. Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã tổ chức buổi thảo luận về sáng kiến chung Nhật – Việt.

img

Tham dự buổi thảo luận có đại diện một số đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Báo chí; Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản…
Mục đích của buổi thảo luận nhằm tạo ra những cơ hội và phương pháp thúc đẩy hơn nữa hiểu biết giữa các cơ quan truyền thông Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tạo môi trường đầu tư trong sạch tại Việt Nam đồng thời đây cũng là dịp để hai bên trao đổi và hướng dẫn những thủ tục cụ thể, cần thiết cho doanh nghiệp Nhật Bản khi có những tổn hại về thông tin tại Việt Nam.
Thay mặt Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng đã cung cấp cho phía các Doanh nghiệp Nhật Bản những thông tin cụ thể về tổ chức cũng như việc quản lý báo chí của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh: Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Nhật Bản đã trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. Để có được điều đó cũng có sự đóng góp không nhỏ của báo chí trong nước. Báo chí Việt Nam đã khẳng định sự đóng góp của nhân dân Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, giúp cho mối quan hệ tốt đẹp của hai nước lên một tầm cao mới. Việc báo chí thông tin chưa đúng được điều chỉnh bởi Luật báo chí và các văn bản dưới Luật. Trong đó đã quy định rõ đưa thông tin thế nào là không đúng và bắt buộc phải cải chính thế nào. Một trong các nguyên nhân dẫn đến báo chí đưa tin chưa đúng, phiến diện là do thiếu thông tin và điều này trước hết thuộc về phía cung cấp thông tin. Xuất phát từ lợi ích hai phía, Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng hoan nghênh một số doanh nghiệp Nhật Bản đã tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, chi tiết nên đã tránh được hiểu lầm.

img

Cũng nhân buổi thảo luận, Bộ TT&TT đã cung cấp cho phía các doanh nghiệp Nhật Bản quy trình cụ thể về việc khiếu nại thông tin trên báo chí. Cụ thể: Một khi doanh nghiệp nhận thấy có những thông tin trên báo chí gây ảnh hưởng xấu có tác động tiêu cực tới hình ảnh của doanh nghiệp mình thì cần thực hiện ngay phản hồi, khiếu nại thông tin trên báo chí  như sau:
1. Gửi văn bản cho cơ quan báo chi đăng thông tin đó, nội dung nêu cụ thể những thông tin báo chí đã đăng là chưa chính xác hoặc hoàn toàn sai sự thật. Đề nghị báo cải chính thông tin.
2. Theo quy định của Luật Báo chí, các cơ quan báo chí phải đăng phát sóng lời phát biểu của doanh nghiệp đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
3. Trường hợp không nhất trí với lời phát biểu của doanh nghiệp, cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình.
4. Sau ba lần đăng, phát ý kiến phát biểu của doanh nghiệp và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì Cục Báo chí hoặc Cục Quản lý PTTH và TTĐT có quyền yêu cầu báo chí ngừng đăng, phát các thông tin của doanh nghiệp.
5. Doanh nghiệp có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo chí đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát lời phát biểu của doanh nghiệp nếu lời phát biểu của doanh nghiệp vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trường hợp đó cơ quan báo chí phải gửi văn bản báo cho doanh nghiệp biết, nói rõ lý do, đồng thời phải gửi báo cáo bằng văn bản tới Cục Báo chí và Cục PTTH và TTĐT.
7. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của doanh nghiệp, doanh dự, nhân phẩm cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn bản kết luận đó cùng lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả.
8. Cục Báo chí hoặc cục PTTH và TTĐT sẽ căn cứ vi phạm của cơ quan báo chí để đề nghị Thanh tra báo chí sẽ kiến nghị đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.