Khai mạc Hội nghị thương mại công nghệ 2010 tại TP. Hồ Chí Minh

Với tiêu chí: “Cùng khởi động. Hãy đổi mới”, sáng nay 13/10/2010 tại TP.Hồ Chí Minh Hội nghị thương mại công nghệ 2010 đã chính thức khai mạc. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Đức Lai; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cùng hơn 300 đại biểu, chuyên gia đầu ngành trong nước, quốc tế đã tới dự. Được biết đây là Hội nghị quốc tế lần thứ 4 đã được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tài trợ của IDG Ventures Vietnam, DFJ VinaCapital và IBM .

img
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đức Lai nêu ra 4 vấn đề chính đã diễn ra trong thời gian qua: Sự phát triển của thị trường CNTT&TT trong 10 năm vừa qua; Các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực CNTT&TT; Một số nội dung của đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”; Và những cơ hội cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT&TT. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: thực tiễn thành công của các dự án đầu tư trong 2001–2010 của ngành CNTT&TT cùng với việc Chính phủ phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT” đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia phát triển thị trường CNTT&TT ở Việt Nam.

img

Những bước tiến của thị trường CNTT&TT sau 10 năm.

Tuy lĩnh vực CNTT&TT Việt Nam còn đi sau một số nước trong khu vực, nhưng Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách hợp lý kế thừa và vận dụng, phát huy những thành tựu về khoa học công nghệ tiên tiến các nước. Cùng với phương châm đi thẳng vào công nghệ hiện đại để năng suất, chất lượng không ngừng được nâng cao, thêm vào đó lực lượng lao động trẻ chiếm tới 60% dân số, đây cũng là ưu thế để tạo nguồn nhân lực CNTT cho hiện tại và những năm tiếp theo. Tình hình an ninh, chính trị luôn ổn định, chi phí nhân công thấp do vậy Việt Nam có ưu thế để có thể cạnh tranh với nhiều nước khác và góp phần tạo ra sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp Viễn thông nước ngoài đã đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều và thu được hiệu quả cao. Thống kê cho thấy sự tăng trưởng về doanh thu của ngành CNTT&TT Việt Nam trên 20% lớn hơn cả là Viễn thông và Công nghiệp CNTT. Rõ nhất là công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, doanh thu luôn tăng trưởng trên 25%/năm vào những năm 2008 – 2009 trong khi khủng hoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng xấu và làm suy giảm nhiều lĩnh vực kinh tế.

Các nhà đầu tư đã có “cơ hội vàng”

Đó là nhận định của nhiều đại biểu Hội nghị. Sự phát triển công nghiệp CNTT đã rõ nét, thêm vào đó Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”. Đây chính là “cơ hội vàng”  để các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực CNTT&TT. Một trong những trọng tâm được nhiều đại biểu đề cập, đó là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bởi hiện nay nguồn nhân lực CNTT&TT tuy dồi dào, nhưng hạn chế lớn về chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Vì thế, Nhà nước rất quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, và coi là quốc sách nên đã có những chính sách ưu đãi. Ở góc độ đầu tư, đây chính là thị trường tiềm năng và hứa hẹn. Ở một khía cạnh khác, việc xây dựng quy hoạch các khu CNTT tập trung đến năm 2020, với chính sách ưu đãi về thuế, dịch vụ hạ tầng, cũng là một cơ hội để các nhà đầu tư tham gia xây dựng, triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng các phòng thí nghiệm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền băng thông rộng cũng rất được quan tâm…

img

Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH &CN Nguyễn Văn Lạng khẳng định, Việt Nam cần phát triển các Tập đoàn công nghệ lớn để làm đầu tàu phát triển, nhưng một lúc nào đó cũng phải cũng phải có sự bình đẳng không còn ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng, TGĐ điều hành Quỹ IDG Ventures Vietnam cho biết thêm: "Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG (IDG VV), sáu năm trước khi được thành lập ở VN, số người sử dụng internet chỉ khoảng 3,6 triệu nhưng tới năm 2010, con số này đã lên đến 26 - 27 triệu, gấp 7 - 8 lần. Số người sử dụng ĐTDĐ từ 6 - 7 triệu, nay trên 50 triệu. Tuy nhiên thực tế cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Để có câu trả lời, giải pháp thực tế hy vọng từ diễn đàn này các đại biểu cũng sẽ có những nhìn nhận đúng về tiềm năng và thực lực toàn diện của thị trường"....

Đến tham dự hội nghị có nhiều chuyên viên cao cấp, lãnh đạo nhiều DN CNTT-VT trong và ngoài nước; các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT-TT. Và sự hiện diện của các chuyên viên Nhóm Quan hệ các nhà phát triển phần mềm độc lập (Nhóm phần mềm IBM Đông Nam Á) ông Charles Manuel; Giám đốc Phát triển Tập đoàn Yahoo!, ông David Gowday; Giám đốc kỹ thuật toàn cầu của Google, ông Kanna Pashupathy…nhiều đại diện cấp cao khác như: Jones Day, Cisco, Tencent, Morgan Stanley…Theo dự kiến của Ban tổ chức, tất cả họ đều sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với thị trường CNTT Việt Nam. Vì thế, đây là cơ hội hiến có cho các nhà quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác ngành CNTT-TT trong nước.

Hội nghị sẽ diễn ra trong ngày 13 và 14/10/2010, các đại biểu sẽ có những tham luận quan trọng khác, xoay quanh vấn đề hạ tầng pháp lý, chính sách thuế; Các mô hình mới ở một số thị trường khác mà VN nên vận dụng thế nào? Việt Nam định vị và đóng vai trò ra sao trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm và công nghiệp nội dung số?./.