Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 7/2010

Chiều ngày 4/8/2010, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2010. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp báo này. Đây là cuộc họp nhằm thông báo những kết quả đã đạt được trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát mà Chính phủ và các Bộ, Ngành, địa phương đã thực hiện từ đầu năm 2010.

img

Tham dự còn có, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2010. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 và các Nghị quyết khác của Chính phủ. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tính tới ngày 15/7/2010, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 265,1 nghìn tỷ đồng bằng 57,5% dự toán năm, vốn đầu tư ngân sách nhà nước 77,6 nghìn tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước giải ngân được 12 nghìn tỷ đồng; vốn đầu  tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 6,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2009; vốn ODA có tổng giá trị giải ngân đạt 1.683 triệu USD, bằng khoảng 67% so với kế hoạch giải ngân của cả năm. Trong 7 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 38,3 tỷ USD; sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với tháng 6 và tăng 12,3 so với cùng kỳ năm 2009; sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tuy có gặp những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh nhưng tổng sản lượng đã tăng lên đáng kể…Về các vấn đề an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác cũng có nhiều thay đổi tích cực, trong tháng 7 ước giải quyết việc làm cho khoảng 141.500 lượt người, các bộ, ngành địa phương cũng đã chủ động theo dõi tình hình thiên tai, dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Thực hiện tối đa mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Thu ngân sách đạt tiến độ khá, huy động giải ngân vốn đâuh tư phát triển tiếp tục có một số chuyển biến tích cực. Tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân từng bước được khắc phục, các lĩnh vực văn hóa xã hội có sự phát triển tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách kịp thời để giải quyết được những vấn đề đó.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có thông báo về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (Vinashin) . Gần 5 năm qua, do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới cùng với sự lãnh đạo yếu kém và sai phạm nên Tập đoàn Vinashin đã lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều biện pháp để tháo gỡ như: kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục tái cơ cấu; Tập đoàn Vinashin phải có trách nhiệm chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề tài chính của mình thông qua việc thu hồi, thoái vốn, cổ phần hóa, bán chuyển giao dự án ngoài ngành để có nguồn tài chính phục vụ cho yêu cầu duy trì và phát triển; hoàn thiện thể chế, cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chức năng của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và tập đoàn đoàn kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát thì Việt Nam cần thực hiện được những mục tiêu chính sau: tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo tốt các công tác khác trong xã hội; giá thuốc, giá sữa, giá xăng phải ổn định và phù hợp với người tiêu dùng, tạo điều kiện cho mặt hàng nông-lâm-ngư nghiệp phát triển để khuyến khích người nông dân; chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cho 10 năm tới.  Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn có nhiều điểm chưa ổn nên cần phải tiếp tục theo dõi các sự biến động. Tiếp tục triển khai những mục tiêu cũng như dự án đang còn dang dở. Về những công việc của Tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện tái cơ cấu cho Tập đoàn. Trong đó, mục tiêu chính là phải quyết tâm giữ vững ngành và cơ cấu lại theo hướng thu hẹp ngành nghề. Tập đoàn cần thực hiện cổ phần hóa để thu hồi vốn, trả nợ và tập trung sản xuất trên nền chính. Mặt khác cần thống nhất tư tưởng, làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận về chủ trương, mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ, bảo đảm thực hiện có kết quả việc củng cố, ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin theo hướng có lợi về kinh tế, chính trị cho đất nước. 

Nguồn: Thu Hương