Kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Sáng ngày 18/6/2010, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

img

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông; Nguyễn Bắc  Son, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Nam Thắng, Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT…

imgBộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm, diễn văn đã điểm lại chặng đường lịch sử vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ khi báo Thanh Niên, tờ báo Cách mạng đầu tiên ra đời đến nay, báo chí Cách mạng Việt Nam đã trải qua 85 năm trưởng thành và phát triển. Báo chí Việt Nam có nhiều thay đổi lớn. Song song với đó là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ làm báo. Đa số các cơ quan báo chí có hai loại hình báo in và báo điện tử, có nơi hội tụ bốn loại hình như Đài Tiếng nói Việt Nam. Báo chí phát triển cả về số lượng, nội dung, hình thức và chất lượng thông tin. Báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và đấu tranh cho lợi ích của nhân dân. Các nhà báo đã được đào tạo cơ bản về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đã làm tốt vai trò là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Đội ngũ những người làm báo đang ngày càng trẻ hoá. Báo chí đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, truyền tải thông tin đầy đủ, phong phú, kịp thời tình hình trong nước và đưa hình ảnh và thông tin tích cực về đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời đưa báo chí ngày càng hội nhập sâu rộng với báo chí thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, một vài tờ báo còn có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, thông tin không đúng sự thật, một vài nhà báo còn biểu hiện vòi vĩnh doanh nghiệp. Sau khi phát biểu ghi nhận những đóng góp của báo chí và chỉ ra những mặt còn hạn chế, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt  những nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 bao gồm tuyên truyền kết quả Đại hội Đảng các cấp, cung cấp cho nhân dân thông tin về điều hành của Chính phủ, về các chính sách, tuyên truyền kỷ cương pháp luật, đặc biệt các luật mới, tuyên truyền cho các hoạt động thi đua hướng về các ngày lễ lớn trong năm,  làm tốt công tác thông tin đối ngoại, tăng cường tuyên truyền người tốt việc tốt… tất cả vì một nền báo chí trung thực, khách quan, nhanh nhạy và hướng thiện.

Nhà báo Hồ Điệp, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã đại diện cho các nhà báo trẻ lên phát biểu những suy nghĩ về truyền thống báo chí Cách mạng Việt Nam, về trách nhiệm và mục tiêu phấn đấu của lớp nhà báo trẻ Việt Nam hiện nay.

imgĐồng chí Tô Huy Rứa đã phát biểu chúc mừng và cảm ơn về những nỗ lực cống hiến xuất sắc của báo giới cả nước đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí Việt Nam luôn gắn bó máu thịt và phấn đấu hết mình vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Đảng, nhà nước và nhân dân ta luôn tin cậy, đánh giá cao cống hiến to lớn của giới báo chí. Việc Đảng, nhà nước ta trao tặng huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất cho giới báo chí nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đúng vào ngày 21/6 năm nay đã khẳng định sinh động và sâu sắc điều đã nói.

Đồng chí Tô Huy Rứa cũng đã chỉ đạo báo chí cần tập trung tuyên truyền toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nêu ra. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 5 “Về công tác tư tưởng lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ đối với báo chí. Đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần đúc rút bài học qua Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng theo chỉ thị 37/CT-TW của Bộ Chính trị. Tích cực tuyên truyền,cổ vũ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân học và làm theo Bác mà trở thành nhân tố mới, điển hình của cuộc vận động. Tuyên truyền đậm nét có hiệu quả cao các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2010 đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tích cực, chủ động, kiên trì đấu tranh với thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái, phản động, thù nghịch. Các cơ quan báo chí nâng cao hơn nữa nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm chính trị cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Coi trọng tính cách mạng, tính chuyên nghiệp và tính hiện đại của báo chí trước yêu cầu mới. Tập trung khắc phục cho được một số yếu kém, khuyết điểm kéo dài như thông tin thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc mặt lợi, hại, thông tin sai sự thật, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và tệ nạn xã hội lên trên mặt báo, nhất là trên trang nhất...

Nguồn: Thúy Hòa