Cơ bản hoàn thành pha II mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước

Sáng ngày 10/6/2010, Bưu điện Trung ương đã báo cáo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng về tiến độ triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và tiếp nhận ý kiến của các bộ, ngành về hoạt động ứng dụng mạng TSLCD tại đơn vị. Tham dự buổi làm việc có Giám đốc CNTT đại diện các bộ, ngành và các đơn vị hữu quan thuộc Bộ TT&TT.

img

Đại diện Bưu điện Trung ương đã báo cáo hiện trạng triển khai mạng TSLCD phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo báo cáo, mạng TSLCD pha I kết nối các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, tỉnh ủy, UBND trên cáp quang đã hoàn thành từ năm 2008 với tổng cộng số điểm kết nối là 233 điểm, tốc độ kết nối 100/1.000 Mbps. Pha II kết nối tới các quận, huyện, sở, ban, ngành trên toàn quốc đang được triển khai và đã cơ bản hoàn thành.  Tính đến hết tháng 5/2010 đã lắp đặt thiết bị cho 54 tỉnh/thành với tổng số điểm lắp đặt được là 2.245 điểm. Bưu điện Trung ương cũng đã phối hợp với UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị hữu quan tổ chức khai trương đưa vào khai thác tại các tỉnh, thành: Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Điện Biên, Hà Giang. Dự kiến trong tháng 6/2010 sẽ tổ chức khai trương tại Bắc Ninh và Cà Mau.

Hiện tại, các dịch vụ đã được triển khai gồm: tại Trung ương cung cấp dịch vụ truyền hình hội nghị (phục vụ điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành); dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao; dịch vụ kết nối mạng VPN-MPLS; dịch vụ đặt chỗ máy chủ. Tại các địa phương hầu hết các tỉnh, thành phố sau khi khai trương đã phối hợp để triển khai các ứng dụng của tỉnh, thành trên mạng TSLCD như: truyền hình hội nghị; truy cập Internet tốc độ cao; kết nối các quận, huyện, sở ngành cho các bài toán quản lý công văn, hành chính, nhân sự…; cổng thông tin của tỉnh, thành… Đối với phía Trung ương, Bưu điện trung ương cũng đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước để cùng triển khai các bài toán CNTT trên phạm vi có kết nối rộng. Một số dự án tiêu biểu như mạng Tabmis của Bộ Tài chính, mạng Bộ Tài nguyên môi trường, mạng Thông tấn xã Việt Nam, mạng Tổng cục 8 – Tổng cục Cảnh sát…

Tại buổi làm việc, Giám đốc CNTT các bộ, ngành đã phát biểu ý kiến xoay quanh hai vấn đề chính: ứng dụng CNTT nói chung và mạng TSLCD nói riêng tại đơn vị mình và việc đảm bảo an ninh mạng TSLCD. Việc ứng dụng mạng TSLCD nhìn chung chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ví dụ như việc tích hợp dữ liệu tại các trung tâm tích hợp dữ liệu chưa có. Về an ninh mạng, việc trao đổi văn bản, dữ liệu vẫn phải tồn tại song song 2 hệ thống là mạng LAN và mạng máy tính kết nối Internet gây bất tiện trong sử dụng. Nhiều giám đốc CNTT cho rằng để xây dựng Chính phủ điện tử mà hạn chế truy cập Internet thì rất khó.

Một số ý kiến được nhiều đại biểu tán thành là: việc đảm bảo an ninh thông tin do con người là cốt lõi, cần có quy định cụ thể xác định mức độ mật của thông tin để xử lý; Bưu điện Trung ương là đơn vị cung cấp hạ tầng kết nối phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước có kèm theo một số dịch vụ căn bản còn việc xây dựng các ứng dụng đặc thù của các cơ quan chạy trên mạng TSLCD thì nên do cơ quan đó nghiên cứu đề xuất và cần sự phối hợp chặt chẽ; mức phí dịch vụ của mạng TSLCD hiện nay rất rẻ, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng; về kỹ thuật, Bưu điện Trung ương sẽ đảm bảo mạng hoạt động tốt, về cảnh báo các nguy cơ an toàn thông tin thì Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đảm nhiệm, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến mã hóa, bảo mật thông tin…

Bộ TT&TT cũng cho biết Bộ đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quy chế quản lý mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước.
 

Nguồn: Thúy Hòa