“Xây dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam”

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Báo Bưu Điện Việt Nam tổ chức sáng nay 20/5/2010, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì cuộc Tọa đàm.

img

Tọa đàm lần này là cơ hội nhằm tạo diễn đàn để chia sẻ những ý tưởng, những quan điểm giữa các doanh nghiệp ICT tiêu biểu của Việt Nam với các cơ quan quản lý và giới báo chí truyền thông về vấn đề trên. Tham dự Tọa đàm có đại diện các đơn vị hữu quan thuộc Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, công ty máy tính, Trung tâm an ninh mạng BKIS…

Tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS cho rằng, doanh nghiệp chú trọng vào sản phẩm của mình và khẳng định nó trên thị trường thì người tiêu dùng mới chú ý đến sản phẩm của mình. Người tiêu dùng mới là yếu tố chính tạo ra thương hiệu. Ở lĩnh cực CNTT, việc đầu tư vật chất ban đầu không lớn tuy nhiên phải đầu tư vào con người. Ông cũng cho rằng sau 5 – 10 năm nữa chúng ta sẽ có 10 - 15 công ty phát triển ra toàn cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel thì cho rằng thương hiệu và văn hóa phải gắn với nhau. Văn hóa rất quan trọng để xây dựng thương hiệu và chính con người tạo nên thương hiệu. Theo ông, muốn thương hiệu của mình mạnh thì công ty đó phải tìm cho mình một sự khác biệt mà các công ty khác không bắt chước được. Và ông khẳng định thị trường trong nước là tài sản lớn nhất và là cái nôi nuôi dưỡng các doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Vinh, TGĐ Công ty Pham and Partners cho rằng Thương hiệu liên quan đến sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ. Trong thế kỷ 21, thương hiệu sẽ là cách duy nhất để  phân biệt các công ty, giá trị thương hiệu sẽ trở thành tài sản quan trọng nhất. Ông cho rằng những thành tố của thương hiệu mạnh đó là tính co giãn và khả năng mở rộng, nội lực, cách tiếp cận và khả năng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó GĐ VTC Intecom cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng cần xây dựng được những Công ty mạnh có sản phẩm mạnh do Việt Nam làm chủ. Việt Nam không có nguồn lực vô hạn và Chính phủ chỉ có thể dành một phần để dành cho phát triển ICT, chính vì thế việc tào đạo nguồn nhân lực từ khi còn trong trường là một yếu tố quan trọng trong sự thành công. Ông cho rằng với nguồn lực giới hạn, Chính phủ cần chọn ra một số lĩnh vực để phát triển chứ không nên dàn trải. Các doanh nghiệp cũng cần coi thị trường Việt Nam là sân tập để khi vững vàng có thể đi ra quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Minh, GĐ Cty TNHH Viễn Thông An Bình (Q-Mobie) cho rằng sự khác biệt về văn hóa tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mà đa số người tiêu dùng ưa thích. Cần có xu hướng phát triển các sản phẩm gắn với người tiêu dùng.  

“Không phải công nghệ tiên tiến nhất, sản phẩm mới nhất, tiên tiến nhất tạo nên thương hiệu. Yêu khách hàng thực sự mới tạo ra thương hiệu” là ý kiến của ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành TBWA.

Tại phần tham luận, nhiều ý kiến đóng góp để tạo nên một thương hiệu ICT mạnh. Cụ thể, đại diện DN đều cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực ICT, DN phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước và lấy đó là chỗ dựa  vững chắc để phát triển thị trường ra nước ngoài. Trong quá trình phát triển, DN phải chú trọng đặc biệt đến yếu tố văn hóa và tìm ra sự khác biệt về văn hóa để tìm ra chiến lược kinh doanh cho mình tại từng thị trường... Các DN cũng có kiến nghị nhà nước có các chính sách để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu tại nước ngoài như: hoãn thuế thu nhập DN, cần phân loại, đánh giá nơi đào tạo nguồn nhân lực CNTT, không nên chi nhiều ngân sách cho đào tạo Tiến sỹ trong và ngoài nước mà nên dành tiền thuê các chuyên gia giỏi nước ngoài về làm việc...

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những ý kiến tham luận của các diễn giả, Thứ trưởng cũng cho rằng những nội dung thảo luận trong ngày hôm nay có nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT và các Bộ, Ngành khác. Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh và tạo dựng thương hiệu.
 

Nguồn: Việt Thắng