Báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020

Ngày 10/5/2010, tại 18 Nguyễn Du - Hà Nội, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã tổ chức cuộc họp báo cáo với lãnh đạo Bộ về quá trình triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

img

Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được triển khai ngày 16/2/2009 theo Quyết định 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 1 năm chuẩn bị và lấy ý kiến của các Bộ, Ban, Ngành các doanh nghiệp điện tử và các đài phát thanh truyền hình, cho tới nay đề án đã được bổ sung khá hoàn thiện.

Ban soạn thảo đã báo cáo lãnh đạo Bộ về sự cần thiết xây dựng đề án, kinh nghiệm thế giới, qúa trình triển khai đề án và nội dung đề án.

Hiện nay, quá trình số hóa truyền hình đang là một xu thế tất yếu trên thế giới, làm tăng số lượng kênh truyền hình, giúp giải phóng một phần tài nguyên tần số và cho phép khai thác hiệu quả sử dụng chung hạ tầng giữa các đài truyền hình Trung ương và địa phương. Do vậy việc xây dựng lộ trình số hóa truyền hình là việc làm thiết yếu.

Những kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng giúp chúng ta nhận rõ được lợi ích thiết thực của đề án này. Đó là xây dựng một lộ trình cụ thể về thời gian chuyển đổi cho từng khu vực, từng địa phương, thành lập ban chỉ đạo với văn phòng thường trực để giúp việc và những kinh nghiệm hỗ trợ người dân, kinh nghiệm thông tin tuyên truyền…

Về qúa trình triển khai đề án, trước tiên là Bộ trưởng thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến các Bộ, Ban, Ngành; họp báo cáo Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân về tình hình thực hiện lộ trình số hóa; gửi bản dự thảo của Đề án để xin ý kiến của các Bộ, Ngành có liên quan và 63 Địa phương; họp bàn với các doanh nghiệp điện tử và các đài phát thanh truyền hình.

Nội dung của Đề án là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phủ sóng truyền hình mặt đất nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, hiện đại, hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị đã có nhiều ý kiến đóng góp cho bản dự thảo. Các ý kiến nhìn chung đều mong muốn đẩy nhanh hơn nữa lộ trình số hóa, không nhất thiết phải là 2020 phải xong mà có thể xong sớm hơn, riêng hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai nhanh hơn để thúc đẩy các tỉnh, thành phố khác. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền tốt hơn tới mọi người dân ở tất cả các vùng trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng trước mắt Đề án nên thực hiện thí điểm với từng thành phố để rút kinh nghiệm sau đó mới tiến hành trên cả nước. Cần khắc phục những khó khăn về kinh tế, về các tiêu chuẩn để lộ trình đi đúng hướng.

Phát biểu trong cuộc họp, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã nhấn mạnh bảy ưu điểm của Đề án gồm: Đề án được thực hiện cũng là cơ hội cho hệ thống đài phát thanh truyền hình được tổ chức lại tốt hơn, hoàn thiện hơn; Đưa ngành truyền hình Việt Nam tiến cùng thời đại, hội nhập quốc tế, tiết kiệm được băng tần, giúp ngành viễn thông phát triển hơn; Phục vụ nhân dân tốt hơn; Tập trung cho vùng giàu có để thúc đẩy phát triển các vùng nghèo; Xã hội hóa ngành truyền hình; Chỉ đạo ngành truyền hình một cách xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương; Thực hiện Đề án cũng đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho Việt Nam.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo, để có giải pháp hỗ trợ người nghèo và các hộ nghèo trong quá trình thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, cần chỉ rõ trong đề án kế hoạch chi tiết và cụ thể; cần thực hiện tuyên truyền phổ biến và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo xem xét các ý kiến đóng góp khác nhau để cân nhắc, hoàn thiện bản dự thảo.
 

Nguồn: Thu Hương