Hoàn thiện Đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020

Sáng ngày 16/4/2010, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan đã họp để báo cáo tiến độ và kết quả soạn thảo Đề án. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chủ trì buổi làm việc.

img
Đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Khoa học Công nghệ; Đài Truyền hình Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham dự buổi họp và có ý kiến đóng góp.
Quá trình số hóa truyền hình mang lại nhiều lợi ích như nâng cao chất lượng và dịch vụ các chương trình truyền hình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số, tăng số lượng kênh chương trình truyền hình, tối ưu hóa khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng, huy động được nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn phát sóng, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hiện đã có 8 nước trên thế giới hoàn tất việc chuyển đổi này.
Đề án dự kiến sẽ đáp ứng mục tiêu chi tiết một số nội dung của Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020. Theo đó, đề án cụ thể hóa mục tiêu số hóa hạ tầng truyền hình tương tự mặt đất trong giai đoạn 2010-2020, chỉ rõ khu vực phải số hóa, tính bắt buộc về pháp lý đối với các địa phương. Đề án cũng chỉ ra các giải pháp cụ thể về hạ tầng và người dân, trong đó có việc hỗ trợ người dân thiết bị đầu thu truyền hình số.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến 2015, 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư, áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo, bước đầu hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất với quy mô tối đa từ 7-8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát sóng PTTH số mặt đất trong đó tối đa 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc. Đến năm 2020, các chỉ tiêu nói trên thứ tự tăng lên 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư…
Sau khi nghe báo cáo của Viện Chiến lược và ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã phát biểu chỉ đạo các vấn đề:
- Ban soạn thảo phải có phân tích sâu hơn về kinh nghiệm quốc tế để các cơ sở đưa ra có tính thuyết phục cao hơn.
- Thời gian thực hiện số hóa có thể mềm dẻo hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn tất vào 2020.
- Việc phân chia địa bàn: cần kết hợp giữa tạo thuận lợi cho phát sóng (theo vùng) với trình độ phát triển kinh tế xã hội và thu nhập của người dân (theo địa phương).
- Về tiêu chuẩn áp dụng: Phần sản xuất thiết bị đầu thu thời điểm chuyển cần đẩy sớm, dãn thời gian phát song song để tạo thuận lợi cho người dân, song vẫn phải có thời điểm để các địa phương có mục tiêu thực hiện.
- Cơ sở lựa chọn công nghệ: trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, thống nhất quan điểm lấy MPEG-4 là mục tiêu. BST cần phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng những quy chuẩn kỹ thuật đối với máy phát, máy thu ban hành trong năm nay và 2011.
- Về giải pháp: phải càng cụ thể càng tốt, những gì không thể cụ thể hơn thì phải có giải pháp giao nhiệm vụ cho các đối tượng: nhà nước, doanh nghiệp, các đài và người dân.
- Về tài chính: với doanh nghiệp, BST nghiên cứu kỹ để trình Bộ Khoa học Công nghệ đưa thiết bị truyền hình vào nhóm công nghệ cao; với người dân, ngoài hỗ trợ theo đối tượng chính sách, nghèo, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, sẽ có một khoảng thời gian hỗ trợ cho những đối tượng sớm số hóa thuộc mọi thành phần để thúc đẩy số hóa sớm.
- Về tổ chức thực hiện, cần bổ sung chức năng nhiệm vụ của các Bộ, trong đó có Bộ Công thương trong vai trò là cơ quan quản lý đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu.
Dự kiến đề án sẽ hoàn chỉnh để trình Chính phủ vào đầu tháng 5/2010.
Nguồn: Thúy Hòa