Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về IPv6

Sáng 26/11/2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 đã họp tổng kết hoạt động năm 2009 và định hướng chương trình công tác năm 2010. Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng – Trưởng ban đã tham dự.

img

Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (IPv6 Task Force) được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký quyết định thành lập ngày 06/01/2009. Ban công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam. Ban cũng có trách nhiệm theo dõi, điều phối hoạt động triển khai IPv6 của các đơn vị theo lộ trình, kế hoạch đã đặt ra.

Trong năm 2009, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 đã có nhiều hoạt động tích cực như: Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về IPv6; Đào tạo kiến thức về IPv6; Thiết lập mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia; Triển khai hỗ trợ IPv6 trên mạng DNS quốc gia; Công tác thúc đẩy đăng ký sử dụng tài nguyên trên IPv6; Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về IPv6.

Tại cuộc họp, VNNIC – với vai trò thường trực Ban Công tác đã trình bày kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho mạng Internet Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2009 đến 2011 là giai đoạn hình thành mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia. Việt Nam thực hiện và hoàn thiện thử nghiệm về IPv6, trang bị kiến thức, kinh nghiệm và đánh giá thực trạng mạng lưới để sẵn sàng cho việc chuyển đổi IPv6. Giai đoạn 2 từ năm 2012 đến 2014, đây là giai đoạn Việt Nam tiến hành chuyển đổi mạng lưới từ IPv4 hỗ trợ song song IPv6. Xây dựng và hình thành mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia. Cung cấp dịch vụ IPv6 thử nghiệm tới người sử dụng. Giai đoạn 3 từ năm 2015, đây là giai đoạn Internet Việt Nam thực hiện chuyển đổi với vai trò chủ đạo của các ISP để hoàn thiện mạng lưới và dịch vụ IPv6. Mục tiêu và kết quả cuối cùng của giai đoạn là Internet Việt Nam hoàn thành tương thích với địa chỉ IPv6. Các tổ chức, doanh nghiệp chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ IPv6.

Trong năm 2010 tới đây Ban công tác sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 trong năm 2009; thúc đẩy việc xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi sang IPv6 cho các mạng chuyên dùng của Đảng, Nhà nước, Y tế, Giáo dục…; xây dựng và hoàn thiện mạng thử nghiệp IPv6 quốc gia; đẩy mạnh công tác đào tạo phổ biến kiến thức về IPv6 cho cộng đồng; Về mặt công tác tuyên truyền: Liên tục theo dõi, phân tích và tổng hợp tình hình quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về IPv6; Tăng cường thông tin về triển khai IPv6 tại Việt Nam, tình hình triển khai IPv6 tại các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã đánh giá cao nỗ lực của VNNIC trong năm 2009. Thứ trưởng cũng chỉ đạo VNNIC trong năm 2010 tới đây cần phải đẩy mạnh hơn nữa về thông tin tuyên truyền trong nội bộ, chủ động đưa tin bài lên các website thuộc bộ về những vấn đề IPv6; Tiếp tục đào tạo cho các tổ chức nhằm giúp hiểu rõ hơn về IPv6… 
 

IPv6 là tên viết tắt của Internet Protocol version 6. Là một giao thức để xác định địa chỉ 1 máy trên Internet. IPv6 là phiên bản nâng cấp của IPv4, được cải tiến và thiết kế để khắc phục những hạn chế trong thiết kế của phiên bản trước (IPv4).
IPv6 có chiều dài 128 bít, gấp 4 lần chiều dài bít của địa chỉ IPv4 nên đã mở rộng không gian địa chỉ từ khoảng hơn 4 tỷ địa chỉ (4 x 109) lên tới một con số khổng lồ là 2128 = 3,4 x 1038 địa chỉ. Một số nhà phân tích tính toán và kết luận rằng, cho dù sử dụng như thế nào, chúng ta cũng không thể dùng hết địa chỉ IPv6.
Ngoài ra, IPv6 còn có những lợi thế như: Khả năng tự động cấu hình (Plug and Play); Khả năng bảo mật kết nối từ thiết bị gửi đến thiết bị nhận (đầu cuối – đầu cuối); Quản lý định tuyến tốt hơn; Dễ dàng thực hiện multicast và hỗ trợ tốt hơn cho di động; Hỗ trợ cho quản lý chất lượng mạng.

Theo VNNIC

 

Nguồn: Việt Thắng