Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin

Tại Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia vào sáng 25/11/2009, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) soạn thảo.

img

Tham dự Phiên họp có TS. Lê Doãn Hợp Bộ trưởng Bộ TT&TT; GS.TSKH Đỗ Trung Tá Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT), TS. Nguyễn Minh Hồng Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng các thành viên Hội đồng,….

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trên cơ sở phân tích đánh giá hiện trạng phát triển của Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm phát triển CNTT của các nước trên thế giới, Bộ TT&TT đã xây dựng đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Trong bài phát biểu của mình Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ, GS.TSKH Đỗ Trung Tá đã nhấn mạnh: CNTT là một công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, từng bước hình thành xã hội thông tin, kinh tế tri thức, góp phần hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn phát triển trong những năm gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, do đó Chính phủ cần chọn những lĩnh vực có lợi thế để đầu tư. Với dân số trên 85 triệu người trong đó trên 60% trong độ tuổi lao động, với truyền thống ham học hỏi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về trí tuệ để phát triển lĩnh vực CNTT.

Trong những năm qua, viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thuộc những nước có tốc độ phát triển nhanh của thế giới. Đến tháng 7 năm 2009, mật độ điện thoại trên cả nước đạt 105 thuê bao/ 100 dân, 100% số xã có điện thoại, số người sử dụng Internet trong dân cư đạt trên 24%, 100% trường đại học cao đẳng và trung học phổ thông có kết nối Internet, CNTT còn góp phần quan trong trọng xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin,….

Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến cho bản dự thảo: Đây là một đề án công phu hướng tới mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và tán thành nhiều đánh giá được đưa ra trong bản dự thảo đề án về các vấn đề như: Hiện trạng sử dụng nhân lực CNTT, hiện trạng đào tạo nhân lực CNTT; đánh giá chung về nhân lực CNTT,... Tuy nhiên có những điểm của đề án cần  nghiên cứu sâu hơn nữa, như đánh giá hiện trạng phát triển CNTT của quốc tế và trong khu vực, chưa có sự phân nhóm các quốc gia phát triển, các quốc gia mới công nghiệp hóa và quốc gia đang phát triển…. Phần đánh giá CNTT của Việt Nam cần bổ sung các số liệu về công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ CNTT, nêu rõ được tỷ trọng của CNTT trong GDP, tốc độ tăng trưởng của CNTT ít nhất trong 5 năm gần nhất…đây là những số liệu cần thiết cho hoạch định chiến lược phát triển. Đề án nên đề cập đến sự phối hợp tham gia, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ... tuy nhiên cần xem xét lại mục tiêu tổng quát đạt thứ hạng theo tiêu chí của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) bởi cách xếp hạng dựa vào các tiêu chí của ITU chưa phản ánh đúng hiện thực phát triển nội tại của Việt Nam mà chỉ có ý nghĩ so sánh mức độ giữa các quốc gia và như vậy chỉ phản ánh mục tiêu cải thiện thứ hạng của Việt Nam mà không phản ánh thực chất mong muốn CNTT trở thành động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Lãnh đạo Bộ TT&TT đã tiếp thu, chỉ đạo cho đơn vị soạn thảo cần chú ý việc tăng tốc phát triển CNTT Việt Nam phải đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT, song cần đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn; Chuyển mạnh từ phát triển CNTT từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng; Lựa chọn những lĩnh vực mà Nhà nước bắt buộc phải đầu tư để tạo bước đột phá và tạo hiệu ứng lan tỏa; khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực khác để doanh nghiệp và người dân cùng đầu tư phát triển. Bộ Trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cũng khẳng định mục tiêu phát triển CNTT ở nước ta trong những năm tới phải ở tốp đầu của thế giới và đưa công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá đã phát biểu khẳng định đây là đề án lớn, được xây dựng công phu có ý tưởng mạnh và quyết tâm cao. Các đại biểu đều có nhận xét đánh giá tầm quan trọng của đề án và mức độ cần thiết của đề án. Đề án phải lưu ý đến vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực, đó là vấn đề quan trọng số một để tạo ra các khâu đột phá trong phát triển CNTT. Tiếp theo là công nghiệp CNTT, trong đó cần nhấn mạnh khâu nghiên cứu phát triển, đặc biệt là nghiên cứu sáng tạo. Tiếp đó là hạ tầng, ứng dụng là kết quả của những khâu nêu trên. Một điểm nữa đề án cần tính đến sự tác động của nó với các nền kinh tế khác…

Nguồn: Việt Thắng