Xin ý kiến dự thảo Thông tư Ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu và quy định áp dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến nhân dân dự thảo Thông tư trên từ 21/9/2009 đến 20/11/2009.

img

Một số điểm chính trong dự thảo Thông tư lần này là:

Thông tư này ban hành và quy định việc áp dụng Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Đối tượng áp dụng: đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhập khẩu hàng hoá là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.
Các trường hợp và quy định không áp dụng Danh mục trong các trường hợp sau:
a.     Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để làm dịch vụ bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới sản phẩm công nghệ thông tin;
b.    Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng theo hình thức thuê, mượn làm phương tiện sản xuất trực tiếp hoặc làm mẫu phục vụ công tác thiết kế, nghiên cứu phát triển (R&D);
c.     Di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng công ty, tập đoàn;
d.    Là sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng;
e.     Là sản phẩm công nghệ thông tin đã được tân trang, làm mới, sản xuất làm mới, thuộc dự án cụ thể và khi thực hiện dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội hoặc phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, phục vụ cộng đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và có xác nhận bằng văn bản đối với từng trường hợp không áp dụng Danh mục.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tiến hành nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ thông tin nhiều lần cho cùng một hệ thống, dây chuyền công nghệ đồng bộ thì tổ chức, cá nhân chỉ làm thủ tục xác nhận một lần đầu tiên. Những lần tiếp theo, tổ chức, cá nhân làm thủ tục tại cơ quan Hải quan có thẩm quyền, nơi làm thủ tục nhập khẩu.
Hồ sơ đề nghị xác nhận sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng không áp dụng Danh mục bao gồm:
+ Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục 02 của Thông tư này;
+ Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác thể hiện tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân phù hợp với từng trường hợp không áp dụng Danh mục;
+ Tài liệu xác định lô hàng nhập khẩu (chủng loại, mã hiệu sản phẩm, số lượng);
+ Các tài liệu theo từng trường hợp không áp dụng Danh mục được quy định tại Điều 6 Thông tư này;
+ Các tài liệu có liên quan khác.
Trong thời gian tối đa không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận.
Mời quý vị độc giả tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư nêu trên tại đây.
Nguồn: BBT