Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thăm và làm việc tại tỉnh Hải Dương

Ngày 20/08/2009 Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Lê Doãn Hợp dẫn đầu đã thăm và làm việc với tỉnh Hải Dương, cùng đi có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

img

Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh cùng các Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh.

 Tỉnh Hải Dương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm bắc Bộ, có diện tích trên 1.651 km2 với 12 huyện thành phố, 234 xã, 13 phường, 16 thị trấn, dân số trên 1,7 triệu người trong đó có khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Tính đến nay toàn tỉnh có 1.780 doanh nghiệp hơn 100 ngàn cơ sở sản xuất, 602 trường học phổ thông thu hút gần 30 vạn học sinh...

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh thì trong các năm qua lĩnh vực thông tin tuyên truyền của tỉnh cũng tốt đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, về báo chí tỉnh cũng là một trong những tỉnh có nhiều loại hình báo chí. Hiện có 1 tờ báo phát hành hàng ngày, 1 đài phát thanh truyền hình, 4 tạp chí thuộc các sở, ban ngành trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có một số cơ quan đại diện báo chí Trung ương, Trung tâm truyền hình cáp do đó đã đáp ứng được nhu cầu của độc giả, khán thính giả trong tỉnh.
Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông: bưu chính có mạng lưới rộng lắp từ tỉnh đến làng xã, báo chí được phát hành trong ngày, hiện tại tỉnh 305 điểm phục vụ, trong đó 187 điểm BĐVHX. Đối với mạng lưới viễn thông toàn tỉnh tính đến tháng 6/2009 tổng số thuê bao cố định đạt trên 302.782 thuê bao và 1.516.670 thuê bao di động, đạt mật độ điện thoại lên 103 máy/100 dân, riêng thuê bao cố định đạt 17 máy/100 dân. Cùng với thuê bao điện thoại, thuê bao Internet cũng tăng cao, hiện tại thuê bao Internet ADSL trên toàn tỉnh hiện có 31.705 thuê bao, trong đó có 750 đại lý Internet công cộng với khoảng 12 ngàn máy tính nối mạng. Doanh thu bưu chính viễn thông trong 6 tháng đầu năm 2009 tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2008. 
Cùng với các lĩnh vực khác thì lĩnh vực CNTT trong thời gian vừa qua cũng đạt kết quả, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân đang ngày càng được tăng cường, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Để đạt được kết quả trên, là nhờ việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, mặc dù là Sở TT&TT mới được thành lập nhưng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đã sớm đi vào ổn định, Sở đã làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương theo lĩnh vực quản lý của mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đánh giá tỉnh Hải Dương có nhiều lợi thế, đây là vùng đất hiếu học đây là nhân tố quan trọng để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, phát triển nhân lực cho ngành CNTT. Bên cạnh đó Hải Dương cũng là nơi có qui hoạch đô thị và công nghiệp tốt. Cơ cấu kinh tế hợp lý, công nghiệp, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ khá cao trong cơ cấu kinh tế.
Lĩnh vực TT&TT phát triển nhanh trong đó phải kể đến lĩnh vực viễn thông, Internet, được thể hiện khá rõ qua số lượng thuê bao điện thoại và Internet. Cơ sở hạ tầng ở một số khu đô thị đã và đang được ngầm hóa…
Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo Tỉnh cần quan tâm hơn nữa phát triển đội ngũ cán bộ cho Sở TT&TT, cụ thể là tăng cường biên chế cho Sở, đặc biệt cán bộ cho lĩnh vực báo chí, xuất bản.
imgVề định hướng tỉnh Hải Dương cần chú trọng vào các công việc: làm tốt công tác qui hoạch với tầm nhìn xa hơn, trong đó tập chung qui hoạch hạ tầng giao thông, đô thị mở rộng gắn với khu công nghiệp và khu đô thị hướng tới đô thị không dây, qui hoạch trong chăn nuôi, trồng trọt, qui hoạch khu công nghiệp công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, trong đó đào tạo cán bộ quản lý đô thị, quản lý nông nghiệp, quản lý công nghiệp. Đào tạo công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt là đào tạo công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ xã, tạo điều kiện cho cán bộ đi cơ sở, để làm được mọi việc đó là tháo gỡ khó khăn cũng như xây dựng những cơ chế chính sách lâu dài và phù hợp.
Bộ trưởng mong muốn Lãnh đạo tỉnh Hải Dương ủng hộ các chính sách của Bộ như Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và công nghiệp công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật tần số Vô tuyến điện, Luật Bưu chính, xây dựng ngành TT&TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, qui hoạch báo chí in, ủng hộ phát triển bưu chính sớm có lãi … Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, trong đó đặc biệt đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đưa thiết bị nghe nhìn đến hộ gia đình, đầu tư hệ thống phát thanh đến thôn xóm.
Nguồn: Lê Mạnh