Hội thảo Chính sách quản lý và Hỗ trợ phát triển dịch vụ Công nghệ thông tin

7/1/2009 8:28:41 AM

Sáng 30/6/2009, tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT &TT) đã tổ chức Hội thảo Chính sách quản lý và Hỗ trợ phát triển dịch vụ Công nghệ Thông tin (CNTT).Tới dự có TS. Nguyễn Minh Hồng Thứ trưởng Bộ TT & TT, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí.


Hội thảo đã được nghe các diễn giả đã trình bày nhiều vấn đề như: Xu hướng phát triển ngành Công nghiệp dịch vụ CNTT tại Việt Nam và đề xuất cơ chế, chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển ngành; Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và các đề xuất từ phía doanh nghiệp; Xu hướng hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ trong lĩnh vự công nghệ thông tin và truyền thông trên thế giới; Kinh nghiệm quản lý Nhà nước của một số nước trong xu thế hội tụ; Thực trạng và giải pháp nâng tầm dịch vụ tư vấn CNTT tại Việt Nam; Thực trạng hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung số tại Việt Nam.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ CNTT tại Việt Nam vào khoảng 10.000 trong đó ước tính có khoảng trên 3000 doanh nghiệp thực sự hoạt động. Doanh thu năm 2008 khái tính vào khoảng 2 tỷ USD, hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư cung cấp một số loại hình dịch vụ chuyên sâu như: Datacenter, Callcenter, BPO…. Nhưng một số loại hình dịch vụ phát triển tự phát không mang tính hệ thống và tình hình đầu tư của các doanh nghiệp còn thấp, có quy mô nhỏ, chủ yếu là vốn tự có, tự đăng ký… Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho ngành dịch vụ CNTT còn chưa nhiều. Chủ yếu là đầu tư gián tiếp qua các chương trình ứng dụng CNTT; Môi trường pháp lý lại chưa hoàn chỉnh. Mặc dầu vậy, Việt Nam là nước có nhiều cơ hội để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp này; nhiều sản phẩm CNTT truyền thống đang dần chuyển sang dịch vụ: cho thuê phần mềm, phần cứng; nhiều dịch vụ IT chuyên nghiệp đang bùng phát tại Việt Nam Informatinon Technology Outsourcing(ITO), Business Processing Outsourcing (BPO)… Do vậy, Hội thảo dành nhiều thời gian để bàn các đề xuất chính sách quản lý góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động dịch vụ CNTT tại Việt Nam, minh bạch hóa môi trường pháp lý tạo thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để thu hút đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng đó, Hội thảo cũng đã tập trung đánh giá một số thực trạng của việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, từ các Bộ, ban, ngành đến các UBND các địa phương. Bên cạnh một số vấn đề được triển khai tốt trong thời gian qua, còn một số tồn tại mà việc giải quyết đòi hỏi sự tham gia một cách tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT. Để có thể tập trung một cách tốt hơn vào các mục tiêu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, giảm thiểu các chi phí, cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng CNTT, các cơ quan Nhà nước có thể cùng phối hợp với các doanh nghiệp ICT trong và ngoài nước. Kinh nghiệm về quản lý cũng như về chuyên môn, khả năng về tài chính, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác có bề dày kinh nghiệm sẽ là đòn bẩy giúp việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước có sức bật hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh hiện nay lĩnh vực CNTT đang phát triển mạnh, có xu hướng xã hội hóa cao nên các cơ quan QLNN đã và đang tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện, cơ chế, chính sách để phát triển ngành CNTT. Hội thảo sẽ mang lại những bổ ích, nhiều thông tin và ý tưởng được chia sẻ. Do vậy, trong Hội thảo này, Thứ trưởng mong muốn được nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước,…và có đề xuất những chính sách quản lý để góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển hoạt động dịch vụ CNTT nói riêng và lĩnh vực CNTT tại Việt Nam nói chung…