Ngày 17/12/2008, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Quốc gia (BCĐ QG) về CNTT; Bộ Thông tin và Truyền thông; Văn phòng BCĐ QG về CNTT đã tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2008 (Vietnam e-Government Symposium 2008 – eGov 2008), với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”. Đến dự có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Thường trực BCĐQG về CNTT Lê Doãn Hợp; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cùng Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, trung ương và địa phương…
Nhận thức rõ về tầm quan trọng Chính phủ điện tử (CPĐT), trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển CPĐT. Chính phủ cũng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện là hiện đại hoá nền hành chính quốc gia, trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng CNTT cho hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Cho đến nay, nhiều đề án liên quan đến CPĐT đã được triển khai bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Việc thúc đẩy quá trình tin học hoá trong các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò, ý nghĩa của CPĐT đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc phát triển CPĐT Việt Nam còn có khoảng cách so với yêu cầu chung và với quốc tế.
Với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”, mục tiêu của hội thảo là thảo luận và đề xuất các biện pháp xây dựng CPĐT gắn liền với cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước. Việc xây dựng CPĐT là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp cho người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan, Chính phủ nhanh chóng thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Sự quan tâm tham dự của các vị Lãnh đạo Chính phủ, BCĐ QG về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành Trung ương và địa phương đã thể hiện rõ quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CPĐT và đổi mới trong công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch và triển khai CPĐT trong giai đoạn tới. Hơn thế nữa, đây là Hội thảo CPĐT đầu tiên đặt trọng tâm xây dựng CPĐT gắn liền với CCHC với trên 40 tham luận phong phú về các vấn đề có liên quan do đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày.
Đây là lần đầu tiên Hội thảo về Chính phủ điện tử được tổ chức ở quy mô Quốc gia. BCĐ QG về CNTT và Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức vào các năm tiếp theo và là nơi để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận tìm ra những giải pháp thúc đẩy sự phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam..
Phát biểu tại lễ khai mạc Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã sớm khẳng định: “Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đi đầu trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động theo phương châm đảm bảo tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả lâu dài. Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả...”.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2008 đã đạt vị trí 91/182 nước được đánh giá, chỉ số CPĐT của Việt nam đạt 4,558 điểm nếu tính theo thang điểm 10. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từ khi Liên hiệp quốc xây dựng báo cáo đánh giá, xếp hạng CPĐT. Việt Nam đã có sự thăng hạng 14 bậc, từ hạng 105 năm 2005 lên hạng 91 năm 2008. Trong khi hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều tụt hạng so với năm 2005 thì đây là một sự khích lệ lớn.
Về CCHC Nhà nước, mặc dù Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2006-2010 (theo Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) mới tiến hành được hai năm, nhưng về cơ bản có thể thấy được những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc CCHC ngày càng cao. Điều này thể hiện ở một loạt hành động của các cấp lãnh đạo trong quyết tâm đẩy lùi và xóa bỏ bệnh quan liêu, tham nhũng và bệnh chạy theo thành tích nhằm bảo đảm chất lượng các chương trình hành động được triển khai, giảm thiểu lãng phí. Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân đã được đổi mới bằng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân và nhất là việc triển khai rộng rãi cơ chế “một cửa”. Sắp xếp lại cho gọn hơn tổ chức bộ máy hành chính các cấp, các đầu mối của chính phủ đã giảm từ 48 xuống còn 39, các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng được điều chỉnh lại gọn hơn. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công, phân cấp, thẩm quyền trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước.
Trước đó, ngày 16 đã diễn ra 2 hội thảo: “Hạ tầng kỹ thuật – công nghệ cho CPĐT và Hội thảo Tài chính – đầu tư cho CPĐT”.