Sáng ngày 22/3/2007, Sở Bưu chính, Viễn thông TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ Thông tin – Truyền thông (CNTT&TT) thành phố Hồ Chí Minh năm 2008, đến dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội CNTT&TT trên địa bàn và 23 Sở BCVT trên cả nước.
Đánh giá về tình hình hoạt động của ngành CNTT&TT thành phố, Giám đốc Sở BCVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có 4 doanh nghiệp bưu chính, 120 doanh nghiệp chuyển phát, 8 doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông liên tỉnh, 13 doanh nghiệp ISP, 22 doanh nghiệp OSP, 2018 trạm BTS, tổng số thuê bao điện thoại của TP. Hồ Chí Minh đạt 10 triệu máy (1,6 triệu máy điện thoại cố định, 8,4 triệu máy điện thoại di động) mật độ thuê bao điện thoại đạt 125 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet băng thông rộng ADSL 380.000, trên 6000 đại lý Internet công cộng. Trên địa bàn thành phố có 8.500 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT, với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 3,6 tỷ USD, doanh thu năm 2007 đạt hơn 1 tỷ USD. Về xây dựng chính phủ điện tử, TP.HCM có 34 sở ngành đã trang bị hạ tầng CNTT, 8 sở ngành, 23/24 quận huyện đã triển khai chính phủ điện tử theo mô hình chung.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết, những năm gần đây thành phố đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng CNTT trong hoạt động cũng như cải cách hành chính cơ quan nhà nước. Điều đó đã được UNBD thành phố cụ thể hóa trong đề án chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn ưu tiên dành vốn đầu tư, xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học phát triển 4 ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo máy, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất công nghệ cao và công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. Phó Chủ tịch khẳng định “kết quả của CNTT và trong đó có các giải pháp Chính phủ điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước”.
Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã điểm lại 1 số sự kiện, kết quả hoạt động của ngành trong năm 2007: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Bưu Chính, Viễn Thông và chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Bộ Văn Hóa Thông Tin. Việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ là sự đổi tên thông thường và phép cộng đơn giản các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực BCVT-CNTT, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình, mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý. Về CNTT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, Nghị định số 71/2007/NĐ-CP về công nghiệp công nghệ thông tin, Nghị định số 63/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Quyết địnhsố 51/2007/QĐ-TTg về chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg về chương trình phát triển công nghiệp nội dung số, Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg về phát triển công nghiệp điện tử; Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng triển khai Đề án 112, Bộ TT&TT tiếp nhận nguyên trạng kết quả Đề án 112 tại Trung ương, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ được triển khai theo Nghị định số 64/2007/NĐ-CP. Trên cơ sở Nghị định này, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Chính phủ để ban hành Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Về Nguồn nhân lực CNTT&TT, Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo yêu cầu của xã hội, của các cơ quan QLNN. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đang xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Năm 2008 Bộ TT&TT sẽ xây dựng luật Bưu chính chuyển phát, Viễn thông, Tần số Vô tuyến điện; sửa đổi luật Báo chí, luật Xuất bản; Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ và các Sở; Xây dựng cơ chế chính sách phát triển cơ sở hạ tầng CNTT&TT; Đẩy mạnh triển khai các Quyết định 51, 56, 75 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu CNTT tập trung; xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục cho xuất nhập khẩu phần mềm; xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT; đẩy mạnh phát triển phần mềm nguồn mở. Bộ cũng đang tổ chức đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT, kết quả của Đề án 112; hoàn tất kế hoạch ứng dung CNTT năm 2008, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2009-2010. Về đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn lực CNTT.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã làm việc với Sở Bưu chính, Viễn thông TP. Hồ Chí Minh về ứng dụng CNTT. Cùng làm việc với Thư trưởng có lãnh đạo Cục ứng dụng CNTT, Vụ CNTT. Đại diện Bộ tại TP.HCM, Giám đốc, Phó Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở BCVT TP.HCM. Theo báo cáo của Sở BCVT, TP.HCM hiện có 8 sở ngành, 23/24 quận huyện đã triển khai chính phủ điện tử theo mô hình chung. Tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử như: Kiến trúc CNTT&TT, cơ sở dữ liệu, quản lý đầu tư CNTT …. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Cục ứng dụng CNTT phối hợp chặt chẽ với Sở BCVT TP.HCM, từ thực tiễn xây dựng chính phủ điện tử tại TP.HCM, hoàn thiện, xây dựng mô hình chính phủ điện tử đạt hiệu quả cao.