TP.HCM hướng đến thành phố thông minh

Đây là định hướng về Chính phủ điện tử của TP.HCM giai đoạn 2016-2020, được Sở TT&TT TP trình bày tại Hội thảo Phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Vibrand 2015) và thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử sáng 6/11 ở Tp.HCM - do Bộ TT&TT tổ chức.

img

 Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM trình bày về Chính phủ điện tử của TP.HCM giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, việc xây dựng Chính phủ điện tử của TP.HCM hướng đến các mục tiêu: Văn phòng điện tử (bao gồm quản lý điều hành và tác nghiệp); Dịch vụ công trực tuyến (theo hướng công khai, minh bạch và phục vụ tốt); Tác nghiệp chuyên ngành (bao gồm tích hợp – liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu); và Văn phòng điện tử.
 
Hiện, TP.HCM đã có 117 đơn vị liên thông từ Văn phòng UBND TP và các quận, huyện, sở, ngành. Toàn bộ lịch công tác, thư mời họp,… được thực hiện qua SMS hoặc Email.
 
Về “Dịch vụ công trực tuyến”, TP.HCM là địa phương duy nhất đang phục vụ việc đăng ký doanh nghiệp tại nhà – tức các nhà đầu tư có thể thực hiện đăng ký (và được hướng dẫn thủ tục) qua mạng, hoàn tất hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, không phải gặp trực tiếp các cán bộ, công chức.
 
Cũng trong thời gian này, TP.HCM còn triển khai hệ thống ISO điện tử (ISO 9001:2008) đối với các dịch vụ hành chính công tại các quận, huyện và sở, ban, ngành. Tập trung vào tính công khai, minh bạch trong xử lý hồ sơ qua trang thông tin điện tử.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, ngoài việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống an ninh và phát triển các ứng dụng CNTT, TP.HCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động theo dạng văn phòng di động, đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền và xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Hướng tới một thành phố thông minh, có: Hệ thống giao thông thông minh; Mạng lưới Y tế điện tử và hệ thống quản lý môi trường, cảnh báo thiên tai, năng lượng hiệu quả.