Lào Cai ban hành Chương trình hành động về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

img

 Giao ban trực tuyến tháng 7/2015

Với quan điểm phát triển CNTT, truyền thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tổ chức triển khai thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đề ra, đó là:
 
Một là, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng CNTT, an toàn thông tin phù hợp với xu thế phát triển, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho phát triển và ứng dụng CNTT bền vững. Xây dựng, triển khai quy hoạch, đề án tổng thể phát triển CNTT, chính quyền điện tử, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030.
 
Hai là, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông phủ rộng từ tỉnh tới cấp xã, từng bước đến thôn, bản với băng thông rộng, chất lượng dịch vụ cao, ổn định. Phát triển hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, từng bước đến cấp xã. Xây dựng và khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu, có khả năng kết nối cơ sở thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin quốc gia. Phát triển hệ thống mạng dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Triển khai có hiệu quả quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, thực hiện theo lộ trình Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
 
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT sâu, rộng, hiệu quả. Trong đó tập trung phát triển hệ thống thông tin dùng chung, ứng dụng CNTT trong xây dựng, quản lý, vận hành  hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng như: giáo dục, y tế, giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị, môi trường, đất đai,… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong nông nghiệp, trong quản lý thực hiện nông thôn mới và hiện đại hóa nông thôn, trong quản lý nguồn nhân lực, lao động, trong thực hiện chính sách xã hội, trong quản lý bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong công tác cứu hộ, phòng chống thiên tai. Đặc biệt, ứng dụng CNTT mạnh mẽ và toàn diện trong ngành thuế, ngân hàng, hải quan, phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
 
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực CNTT, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới. Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật, chuẩn kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cho đội ngũ chuyên trách CNTT trong toàn hệ thống chính trị. Song song với đó là đào tạo, tập huấn, hỗ trợ, phổ cập kiến thức kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn thông tin, khai thác tài nguyên mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, tạo nền tảng phát triển công dân điện tử.
 
Năm là, nâng cao an toàn an ninh thông tin, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội. Triển khai các biện pháp tăng cường khả năng giám sát, phòng chống và ứng cứu các sự cố về an toàn an ninh thông tin. Đặc biệt, chú trọng đầu tư, tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống thông tin trọng yếu, quản lý chặt chẽ hoạt động của báo điện tử, cổng/trang TTĐT, sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công mạng, chiến tranh thông tin. 
 
Sáu là, phát triển dịch CNTT và tiến tới phát triển công nghiệp CNTT. Trong đó chú trọng phát triển , cung cấp mạng lưới dịch vụ viễn thông, CNTT tới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ưu tiên các xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. 
 
Chương trình hành động đề ra mục tiêu đến năm 2020, CNTT được ứng dụng sâu, rộng, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, địa phương trong tỉnh. Đồng thời xây dựng, phát triển  CNTT, chính quyền điện tử hiện đại, đồng bộ, an toàn thông tin trong toàn hệ thống chính trị. Phấn đấu đến năm 2020, 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến huyện, tiến tới cấp xã có hệ thống mạng nội bộ, triển khai ứng dụng hệ thống văn bản điều hành nội bộ, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, cổng TTĐT và được đảm bảo an toàn an ninh thông tin. 100% cơ quan Nhà nước ứng dụng thư điện tử và triển khai chữ ký số. 80% văn bản được trao đổi trên môi trường mạng. 90% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng. 100% thủ tục hành chính –dịch vụ công được cung cấp trên môi trường mạng, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thu hưởng thông tin, cung cấp dịch vụ công cho nhân dân.