Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển thông tin và truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 4293/QĐ-UBND ngày 29-12-2004 với tên gọi ban đầu là Sở Bưu chính - Viễn thông (BCVT), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11-3-2005.

img

 Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy khen cho các đơn vị đạt giải tại hội thi ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước năm 2014. Ảnh: Tư liệu của Sở TT&TT

 
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ, ngày 14-4-2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 894/QĐ-UBND thành lập Sở TT&TT trên cơ sở Sở BCVT và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước (QLNN) về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
Qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ TT&TT, đồng thời với sự nỗ lực cố gắng quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, Sở TT&TT đã không ngừng đào tạo bồi dưỡng, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Hiện nay, Sở TT&TT có 7 phòng ban chuyên môn, 1 đơn vị sự nghiệp với tổng số 64 CBCC, viên chức, người lao động.
 
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, hàng năm Sở TT&TT đã nghiên cứu hướng dẫn kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó trọng tâm là các quy hoạch, kế hoạch, quy chế, quy định... trong lĩnh vực TT&TT. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác  QLNN về TT&TT cho cán bộ chuyên môn cấp huyện.
 
Những năm qua,  Công tác QLNN về BCVT được tăng cường, bảo đảm  đúng quy định và quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp các dịch vụ BCVT có chất lượng cao tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
 
Hiện nay, trên địa bàn có 9 doanh nghiệp tham gia hoạt động cung cấp các dịch  vụ bưu chính, tăng 5 doanh nghiệp so với năm 2005, 635/637 xã có điểm phục vụ BCVT,  bằng 99,69% số xã có điểm phục vụ với tổng số 660 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,32km/điểm. Sản lượng phát hành báo chí giai đoạn 2010-2015 được duy trì và phát triển, có 591/637 xã, phường, thị trấn có báo đọc trong ngày xuất bản, tăng 2,95% so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm từ 10-17%.
 
Có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp; 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản được cung cấp các dịch vụ điện thoại cố định, Internet và phủ sóng thông tin di động, dịch vụ truyền hình chất lượng cao qua mạng viễn thông; 100% trung tâm  các xã có mạng truyền dẫn quang. Tổng thuê bao điện thoại hiện có trên mạng là trên 2,6 triệu thuê bao, mật độ đạt trên 78 thuê bao/100 dân, tăng gần 11 lần  so với năm 2005. Thuê bao Internet đạt mật độ 15,39 thuê bao/100 dân. Doanh thu các dịch vụ viễn thông, internet năm 2014 đạt 2.742 tỷ đồng, bằng 740,32% so với cùng kỳ năm 2005.
 
Về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT): Sở TT&TT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết Chỉ thị 58-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) và ban hành Nghị quyết số 03 NQ/TU ngày 17-4-2007 về phát triển BCVT&CNTT tỉnh Thanh Hóa đến 2010 và định hướng đến 2020. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2008-2010; giai đoạn 2011-2015. Hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh; tập huấn, hướng dẫn các sở, ban, ngành, các đơn vị công tác bảo đảm  an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ hành chính công, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 
Đến hết năm 2014, 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị, cơ quan QLNN từ cấp tỉnh, đến cấp huyện đã có mạng LAN, 88% CBCC cấp tỉnh, 94% CBCC cấp huyện được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, 28% UBND cấp xã được cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện và 81% CBCC đã được cấp hộp thư điện tử công vụ, trong đó 96% CBCC thường xuyên sử dụng. Triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng cho 48/48 cơ quan Nhà nước và cấp 70 chứng thư số cá nhân cho một số đơn vị; 14/27 huyện, thị xã, thành phố đã được triển khai phần mềm một cửa, một cửa liên thông hiện đại; 100% các cơ quan QLNN trên địa bàn tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử; 100% các trường THPT, 98,7% các trường THCS và 30,44% các trường tiểu học đã có phòng máy tính phục vụ giảng dạy thực hành CNTT; trên 80% các bệnh viện đã ứng dụng CNTT phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Cổng thông tin điện tử doanh nghiệp của tỉnh được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Các chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh hàng năm luôn, duy trì và giữ vững trong TOP 10 của cả nước.
 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 cơ quan báo chí của tỉnh; 17 văn phòng đại diện, 8 phóng viên thường trú của các báo Trung ương; 1 nhà xuất bản, 2 đơn vị phát hành sách và 19 cơ sở in xuất bản phẩm. Trong những năm qua công tác QLNN về báo chí, xuất bản đã được nâng cao, bảo đảm  cho báo chí hoạt động ổn định, đúng định hướng, góp phần  thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, bảo đảm đúng kế hoạch hàng năm, trong 10 năm đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.658 tổ chức, cá nhân, đã xử lý vi phạm hành chính 60 trường hợp. Qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của các tổ chức, cá nhân, đồng thời bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật...
 
Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành ngành TT&TT Thanh Hóa không ngừng phát triển, đã góp phần đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
 
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng trở nên sâu, rộng xu thế toàn cầu hóa; nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong các lĩnh vực của ngành TT&TT có những bước phát triển vượt bậc, đây cũng là cơ hội và thách thức đối với ngành. Hiện nay Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để ngành TT&TT phát triển. Đồng thời Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến các hoạt động và phát triển các lĩnh vực của ngành TT&TT. Phát huy những kết quả đã đạt được, nắm bắt  cơ hội, trong những năm tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục khắc phục  khó khăn, thực hiện tốt 6 nhiệm vụ chủ yếu, sau:
 
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu QLNN cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong đó tập trung rà soát, bổ sung ban hành các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy ngành TT&TT tiếp tục phát triển.
 
Hai là, tạo bước đột phá nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó tập trung vào các vấn đề cốt lõi, làm nền tảng cho việc xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Tham mưu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TƯ và phát triển CNTT của tỉnh.
 
Ba là, tập trung chỉ đạo, quản lý tốt công tác thông tin tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác chính trị tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Bốn là, tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp để tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong toàn ngành TT&TT đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
 
Năm là, chú trọng xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức và người lao động có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, có chuyên môn sâu. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT. 
 
Sáu là, tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh; xây dựng nếp sống văn hóa công sở.
Nguồn: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa