Năm 2015 – “Năm dịch vụ công trực tuyến” tại Hà Tĩnh

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh về tăng cường sử dụng, trao đổi văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh về triển khai dịch vụ công trực tuyến 2015, chuẩn bị một bước cho giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đánh giá về mức độ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chọn năm 2015 là năm phát triển và ứng dụng mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến gọi tắt là “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015”.

img

Lễ ký kết hợp tác phát triển Thương mại điện tử giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh với Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh.

Mục tiêu của “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015” là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, cán bộ công chức các cơ quan về phát triển và cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng; góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR index của tỉnh. Thu hút ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thực hiện các giao dịch trực tuyến, góp phần giảm thời gian, chi phí trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính với các cơ quan công quyền.

Để thực hiện “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015”, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Tĩnh đã tổ chức công bố “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015”. Tại Hội nghị tổng kết trực tuyến ngành Thông tin truyền thông năm 2014, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015” (Kế hoạch số 559/KH-UBND ngày 23/12/2014).

Theo kế hoạch hành động này, năm 2015, Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hội thảo, xây dựng các mô hình điển hình về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời xây dựng hệ thống các văn bản, cơ chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức thực hiện, Sở TT&TT Hà Tĩnh là cơ quan thường trực, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng dịch vụ công. Giám sát, thẩm định các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị/thành phố chịu trách nhiệm về xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền rộng rãi về triển khai “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015”; Xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai, phát triển và khai thác dịch vụ công năm 2015, giai đoạn 2016- 2020 trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của đơn vị mình, nâng cấp trang TTĐT lên Cổng TTĐT để cập nhật được dịch vụ công mức 3, mức 4, đảm bảo đến cuối năm 2015: 100% UBND cấp huyện, 50% cơ quan hành chính cấp tỉnh cung cấp trên 40% dịch vụ công trực tuyến mức 3.

Kết quả của “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015” tại Hà Tĩnh sẽ tác động mạnh mẽ trong công tác hiện đại đại hóa nền hành chính ở các cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn. Theo đó, đến cuối năm 2015, Hà Tĩnh sẽ có khoảng 252 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên tổng số 1742 thủ tục hành chính, trong đó có có 3-5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Cũng theo Chỉ thị, để thực hiện “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015”, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị/thành phố được UBND tỉnh giao thực hiện các nội dung sau:

- Tổ chức rà soát công nghệ, giải pháp kỹ thuật của Trang/Cổng thông tin điện tử để nâng cấp, sửa đổi, đảm bảo sẵn sàng cho việc tích hợp các phần mềm dịch vụ công mức độ 3 và 4. Cần liên thông phần mềm một cửa điện tử với Cổng thông tin để phục vụ việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và tra cứu thông tin một cách đồng bộ.

- Chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách CNTT về kỹ năng, nghiệp vụ quản trị, vận hành Cổng thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức tốt việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

- Căn cứ đặc thù nghiệp vụ chuyên ngành và yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, các cơ quan, đơn vị để lựa chọn từ 40%-50% thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị mình, lập dự án và tổ chức triển khai dịch vụ công mức 3, mức 4 trực tuyến.

Việc thực hiện thành công “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015” có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, mà còn góp phần làm giảm áp lực giấy tờ trong công việc lên chính các cơ quan quản lý nhà nước. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, “Năm dịch vụ công trực tuyến - 2015” sẽ là một bước tiến mới trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử tại tỉnh Hà Tĩnh./.