Quảng Bình: Ngành Thông tin và Truyền thông chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2014

Cơn bão số 10 và ảnh hưởng hoàn lưu bão số 11 năm 2013 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình và đài truyền thanh cơ sở, tổng thiệt hại ước tính trên 45 tỷ đồng.

img

Ảnh minh họa - Nguồn internet

Rút kinh nghiệm từ các đợt bão lũ năm 2013, để sẵn sàng đảm bảo các điều kiện tốt nhất phục vụ cho công tác thông tin liên lạc, trước mùa mưa bão, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai năm 2014, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông. Từ ngày 8 đến ngày 12/9/2014, Đoàn công tác của Sở TT&TT do ông Phạm Thanh Tân – Phó Giám đốc Sở, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) ngành làm Trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và kiểm tra việc chấp hành pháp luật việc kiểm định trạm điện thoại di động mặt đất đối với các trạm BTS của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh bao gồm: Chi nhánh Viettel Quảng Bình, Viễn thông Quảng Bình, Trung tâm Thông tin di động khu vực III, Trung tâm Thông tin di động Vietnamobile khu vực II, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông tin di động (MIS), Bưu điện tỉnh.
 
img
 
Các công nhân đấu nối cáp quang - Ảnh minh họa (nguồn internet)

Qua kiểm tra, Sở TT&TT đánh giá các doanh nghiệp đã nghiêm túc triển khai phương án PCLB năm 2014. Với phương châm xuyên suốt “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”; quán triệt thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”; các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn hệ thống mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh.

Cũng trong đợt kiểm tra, một trong những nội dung được Sở TT&TT chỉ đạo quyết liệt đó là việc gia cố các tuyến truyền dẫn xung yếu, hệ thống chuyển mạch, lắp đặt dự phòng các tuyến truyền dẫn đường trục; kiểm sửa, gia cố cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động. Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng cột ăng ten tự đứng, chuyển đổi cột anten tam giác sang tứ giác tại những vị trí trọng yếu với những đặc tính ưu việt sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc gãy đổ do bão gây ra.

Hiện nay 100% cột anten trạm BTS đều đã được tiến hành gia cố, bảo dưỡng, nhiều cột được thay thế, tăng cường thêm hệ thống dây co, thay hệ thống kẹp, khoá dây co, lắp thêm gá chống xoay, thay mới và tăng cường thêm đinh vít, mố trụ nhằm đảm bảo vững chắc cho cột ăng ten, hạn chế nguy cơ bị vặn cột khi cấp bão mạnh. Bên cạnh đó, công tác rà soát, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống thiết bị, kiên cố hóa mạng lưới hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão cũng đang được gấp rút hoàn thành.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đó là việc duy trì thông tin liên lạc đối với khu vực vùng sâu, vùng xa trong thiên tai. Để khắc phục, các doanh nghiệp đã chủ động lắp đặt, kết nối các tuyến vòng ring truyền dẫn, các tuyến vu hồi, gia cố mạng cáp treo; phương án thiết lập các vị trí ưu tiên 1, 2 tại các khu vực trọng yếu để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, Sở đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Bộ Thông tin và Truyền thông để lắp đặt 05 đài truyền thanh không dây cho các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là trong công tác PCLB và TKCN.

Với tinh thần chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Ngành Thông tin và Truyền thông đang tập trung mọi nguồn lực, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp và người dân trong phòng, chống thiên tai./.