Hiệu quả từ ứng dụng mô hình một cửa điện tử ở Hậu Giang

Với mục tiêu hướng tới một nền hành chính điện tử, việc triển khai mô hình một cửa điện tử ở Hậu Giang bước đầu đã tạo hiệu quả rõ nét trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan công quyền.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thành Lập phát biểu tại Hội nghị triển khai áp dụng một cửa điện tử
 

Hậu Giang là một tỉnh mới được chia tách từ tỉnh Cần Thơ có rất nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, tài chính và nguồn nhân lực CNTT. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quyết tâm của các ngành, các cấp thời gian qua và sự hỗ trợ tích cực của bộ, ngành Trung ương, Hậu Giang đã đạt hiệu quả rõ nét từ việc ứng dụng mô hình một cửa điện tử. Từ tháng 5/2013 đến nay, Hậu Giang triển khai thí điểm thực hiện áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại 11 đơn vị (2 sở, 3 huyện và 6 xã), đã tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.

Việc áp dụng phần mềm một cửa giúp cá nhân, tổ chức và doanh nhiệp có điều kiện thuận lợi hơn để trao đổi với các cơ quan nhà nước. Điều này được bà Nguyễn Thị Bích Vinh, Phó Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang bộc bạch: “Áp dụng quy trình một cửa điện tử vào công tác quản lý nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xử lý và thời gian đi lại của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, tạo điều kiện kiểm soát công việc của cấp lãnh đạo đối với các bộ phận chức năng tại các cơ quan nhà nước một cách thuận tiện”. Còn theo bà Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy thì “việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước đã giúp cho việc tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, giảm bớt thời gian xử lý và thời gian đi lại của người dân; đồng thời huy động được nhân dân tham gia, giám sát cán bộ trong công cuộc cải cách hành chính”.

Nói về hiệu quả và tiện ích khi áp dụng phần mềm một cửa điện tử, ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, huyện  Long Mỹ cho biết: “Phần mềm một cửa điện tử giúp cán bộ thực hiện việc thống kê quá trình xử lý và tổng hợp các thủ tục hành chính kịp thời, chính xác trên từng lĩnh vực; lãnh đạo có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của cán bộ tại bộ phận một cửa; hồ sơ có thể lưu giữ lâu dài; tiện lợi cho người dân khỏi tốn chi phí đi lại, ngồi tại nhà có thể tra cứu hồ sơ nếu có mạng internet”.
 
img

Để biết thêm về tính năng phần mềm một cửa điện tử, Bộ phận chuyên môn của Văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Phần mềm một cửa điện tử ứng dụng công nghệ cổng (portal) triển khai tại các cơ quan hành chính Nhà nước cho phép mở rộng không hạn chế số lượng đơn vị tham gia, cơ sở dữ liệu được dùng chung nên dễ dàng nâng cấp và bảo trì, dễ quản trị và đảm bảo tính an toàn, bảo mật”. Để triển khai việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử, Hậu Giang đã thực hiện nhiều công tác chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT. Mở nhiều lớp tập huấn sử dụng phần mềm cho cán bộ các sở, ngành, địa phương; tổ chức cho một số cán bộ tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện “mô hình một cửa điện tử” tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Giang; tạo cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung 3 cấp trên địa bàn tỉnh gắn kết vào phần mềm một cửa điện tử, trong đó có các văn bản là cơ sở pháp lý được kèm theo thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham khảo khi cần thiết. Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, các đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1.500 hồ sơ trên các lĩnh vực.
 
Từ thực tế triển khai, mô hình một cửa điện tử ở Hậu Giang đã mang lại hiệu quả như sau:

Đổi mới cách thức, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân, tổ chức; đổi mới, cải tiến lề lối làm việc và quan hệ công tác giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, tổ chức từ phương thức thủ công, truyền thống sang phương thức hiện đại. Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý điều hành. Nâng cao hiệu quả công tác và quá trình tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Từ đó, rút ngắn thời gian trao đổi thông tin, giảm thời gian và chi phí cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi, tương tác với cơ quan công quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng khả năng minh bạch trong giải quyết hồ sơ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tăng cường, củng cố lòng tin của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
 
Theo đánh giá của ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: thời gian qua việc triển khai mô hình một cửa điện tử đã mang lại hiệu quả cao. Ông cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo các các cơ quan, đơn vị đã quyết tâm thực hiện và triển khai tốt mô hình một cửa điện tử tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với cơ quan công quyền, hạn chế nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức cũng như các quy định bất hợp lý trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Có thể nói, với những kết quả bước đầu từ việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử đã chứng minh rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính ở Hậu Giang, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế -  xã hội địa phương. Được biết, Hậu Giang đã và đang triển khai Bộ thủ tục hành chính gắn với một cửa điện tử cho 26 sở, ban, ngành tỉnh, 7 UBND huyện, thị, thành phố và 74 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và tích hợp các phần mềm quản lý hành chính nhà nước ở địa phương./.