Hoạt động trang thông tin điện tử: Thực trạng cần được quan tâm

Trong 02 năm qua, hoạt động của các trang thông tin điện tử tại Đăk Nông đã có sự phát triển nhanh chóng góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin về hoạt động quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân truy cập thông tin một cách thuận lợi.

img

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 38 trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, địa phương đang hoạt động, trong đó có 23 trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã. Nhìn chung, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc cập nhật thông tin trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã tập trung vào lĩnh vực chuyên môn. Những đơn vị có trang thông tin điện tử hoạt động tốt là báo Đăk Nông, Cổng thông tin điện tử (portal) của Sở Thông tin và Truyền thông Đăk Nông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch...

Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp, theo dõi của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện có 28/38 trang thông tin điện tử chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về hoạt động trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước theo theo Điều 28 Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Hiện nay còn 03 huyện chưa có Trang thông tin điện tử gồm: Tuy Đức, Đăk Glong và Đăk Mil.

Hệ thống văn bản, thông tin chỉ đạo điều hành chưa cập nhật kịp thời theo quy định; Lĩnh vực hoạt động cung cấp thông tin trên môi trường mạng nhằm tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm văn bản giấy, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời; Ban Biên tập chưa được kiện toàn, nhân lực quản trị thiếu và yếu nên hoạt động chưa đạt hiệu quả… Thậm chí, có những trang Thông tin điện tử mặc dù đã đưa vào hoạt động chính thức hơn 1 năm  nhưng bên trong vẫn còn nhiều tin “rác” và hầu như không có thông tin mới dẫn đến số lượng người truy cập, khai thác ít ỏi như: website Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải.

Những website vi phạm nhiều nhất là website của Sở Văn hóa, Thể thao &Du lịch; Tư pháp; Giao thông Vận tải; Thanh tra tỉnh; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm: chưa thành lập Ban biên tập; chưa đănng ký và thay đổi tên miền; chưa lập hồ sơ cấp phép; chưa đăng tải, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống, bắt buộc của cơ quan lên trang Thông tin điện tử theo quy định… Mặc dù đã được Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn nhắc nhở nhiều lần, nhưng qua đợt kiểm tra (từ ngày 11 đến 12/4/2013) cho thấy nhiều trang Thông tin điện tử vẫn chưa khắc phục, hiệu quả hoạt động thấp.

Từ thực trạng nêu trên, để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động website, các cơ quan chủ quản cần quan tâm những vấn đề sau: Thành lập Ban biên tập và ban hành Quy chế hoạt động của trang Thông tin điện tử để xử lý nội dung thông tin nhanh chóng, kịp thời những sự kiện, hoạt động quan trọng của ngành, của tỉnh có hiệu quả; đảm bảo nguồn kinh phí, trang thiết bị cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động website ổn định, thường xuyên liên tục; thông tin phải được cập nhật những vấn đề, sự kiện, hoạt động quan trọng của ngành, địa phương, chú trọng cân đối giữa tin, bài, chuyên mục một cách phù hợp; Ban biên tập, thư ký phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tin, bài ...
 

Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Đăk Nông