Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề lao động nông thôn

Sáng ngày 1/3/2013, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Trung ương về việc dạy nghề cho lao động nông thôn, do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai làm Trưởng đoàn. Tham dự có ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng - thành viên UBND tỉnh và các sở ngành.

img
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai phát biểu kết luận buổi làm việc.

Theo báo cáo, trong 3 năm qua, Tiền Giang đã triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về  đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt những kết quả đáng ghi nhận: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về mục đích của dạy nghề trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người lao động; mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng cho công chức xã để nâng cao khả năng quản lý. Một bộ phận người lao động đã nắm được thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ, từ đó người lao động mạnh dạn đăng ký và tham gia học nghề, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 Đối với dạy nghề cho lao động nông thôn, cơ bản hệ thống trường, Trung tâm Dạy nghề đều đã được thành lập ở các huyện và đi vào hoạt động. Giáo viên tham gia dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề ngắn hạn tăng hơn 100 người. Tổ chức 4 mô hình thí điểm dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động để rút kinh nghiệm, gồm 2 mô hình dạy nghề nông nghiệp (trồng cây thanh long và trồng màu) và 2 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp và đan đát). Các mô hình đã nhân rộng trên địa bàn các huyện, thành, thị. Tuy nhiên mô hình đan đát hiệu quả không cao.
Tổng số lao động nông thôn đã được hỗ trợ dạy nghề hơn 25 ngàn lao động, trong đó dạy nghề phi nông nghiệp chỉ chiếm 36,36%. Lao động có việc làm sau khi học nghề: Đối với nhóm học nghề nông nghiệp có việc làm sau khi học nghề đạt 69,5%, thu nhập tăng thêm tính bình quân cho số lao động có việc làm hơn 340.000 đồng/tháng, nhưng tính chung cho số lao động được hỗ trợ dạy nghề thì chỉ 240.000 đồng/tháng.
Kết quả đối với nhóm này chủ yếu là người lao động biết cách tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm thì có, nhưng không nhiều, trình độ hiểu biết của người nông dân trong chăn nuôi, trồng trọt tăng lên (hiệu quả nhìn thấy rõ nhất là dịch bệnh trong những năm qua giảm đáng kể). Có nhiều điển hình lao động có việc làm, có thu nhập cao như: Ươm cá, trồng nấm rơm ở Cái Bè, chăn nuôi ở Gò Công Tây, Tân Phước,...
 Đối với nhóm học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm đạt hơn 87%, trong đó dạy nghề may chiếm hơn 35%. Thu nhập của người lao động bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, người thu nhập cao có thể lên đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên vẫn có những nghề tỷ lệ có việc làm thấp như nghề sửa chữa điện dân dụng, vì nhu cầu doanh nghiệp không nhiều mà người lao động tự tạo việc làm cũng khó.
Đối với đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, do chưa có chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức xã nên trong những năm qua chủ yếu hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức xã được đào tạo các các lớp trung cấp chuyên ngành: Tài chính - kế toán, luật và hành chính. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã có chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã, tỉnh đã đào tạo giáo viên để chuẩn bị trong năm 2013 sẽ bắt đầu bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã theo từng chuyên ngành.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện: Thông tin tuyên truyền đến người dân chưa rộng, còn nhiều người chưa biết chính sách hỗ trợ dạy nghề, mục đích của dạy nghề. Tỷ lệ dạy nghề phi nông nghiệp còn thấp: 36,36%, trong khi mục tiêu của tỉnh là 60%; nên chưa góp phần tích cực cho chuyển dịch cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới. Một số lao động đã học nghề, nhưng chưa ứng dụng được kiến thức vào sản xuất. Giáo viên dạy nghề, nhất là giáo viên dạy nông nghiệp, còn thiếu nhiều, phải mời cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp giảng dạy, phương pháp sư phạm còn hạn chế; chủ yếu dạy vào ngày nghỉ cuối tuần, nên ảnh hưởng đến việc tổ chức giảng dạy và chất lượng đào tạo. Việc giám sát, đánh giá công tác hỗ trợ dạy nghề chưa thường xuyên. Thu nhập tăng thêm của người lao động còn thấp, nhất là lao động học nghề nông nghiệp.
Để việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng có hiệu quả hơn, các ngành và UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề: Cần có hướng dẫn phương pháp giám sát đánh giá việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg theo tiêu chí quy định tại Quyết định 1582/QĐ-BLĐTBXH ngày 02/12/2011. Tăng mức hỗ trợ kinh phí dạy nghề và đào tạo, bồi dưỡng công chức xã theo Đề án của tỉnh, vì thời gian qua nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ ít, nên tỉnh dạy nghề cho hơn 70% lao động so với đề án của tỉnh; đối với đào tạo cán bộ xã, kinh phí hỗ trợ của Trung ương chỉ để bồi dưỡng, chiếm tỷ lệ hơn 40% nhu cầu kinh phí đào tạo. Bổ sung đối tượng được hỗ trợ dạy nghề là những đối tượng yếu thế ở khu vực thành thị: Hộ nghèo, hộ cận nghèo mức 1, lao động là người tàn tật. Điều chỉnh định mức hỗ trợ chi phí dạy nghề cho người lao động phù hợp với giá cả thị trường hiện nay.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai đã ghi nhận những kết quả mà tỉnh đạt được trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là những kiến nghị với Trung ương. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hơn việc đánh giá hiệu quả sau khi đào tạo; tăng cường đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như quản lý,...

Nguồn: Theo http://www.tiengiang.gov.vn