Những tín hiệu tích cực trong triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở

Theo báo cáo của Ban điều hành Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, tình hình triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở tại các địa phương năm 2010 đã đạt được tiến bộ so với các năm trước.

img
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng. (Nguồn Internet)

Đa số các địa phương sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để tổ chức đào tạo sử dụng phần mềm nguồn mở. Tính riêng năm 2010, tổng số lượt người được đào tạo theo báo cáo của 46 địa phương là 7.356 lượt người trong đó chủ yếu là đào tạo sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng (95%). Một số điển hình về đào tạo như Ninh Thuận có 1.200 lượt cán bộ công chức được đào tạo sử dụng phần mềm nguồn mở thông dụng, 21 lượt cán bộ quản trị mạng, tập huấn 2 doanh nghiệp hướng dẫn sử dụng phần mềm nguồn mở; Lai Châu đào tạo 1.180 lượt; Bắc Giang đào tạo 698 lượt; Cần Thơ 400 lượt… Việc đào tạo chủ yếu là hướng dẫn sử dụng OpenOffice, một số đào tạo sử dụng hệ điều hành Ubuntu và các phần mềm tiện ích thông dụng khác như bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt web Mozilla Firefox, phần mềm thư điện tử máy trạm Mozilla Thenderbird, bộ từ điển Startdict, phần mềm nén và giải nén 7-zip. Đối tượng tham gia đào tạo là cán bộ công chức các đơn vị chuyên trách về CNTT, cán bộ công chức các sở, ban, ngành và một số cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn.

Công tác cài đặt sử dụng phần mềm nguồn mở đã triển khai tại 21/46 địa phương (có báo cáo của địa phương). 123 đơn vị tại 21 tỉnh này đã cài đặt sử dụng phần mềm nguồn mở. Điển hình như Bắc Giang có 16 đơn vị, 50% máy tính tại Ủy ban nhân dân tỉnh, Đồng Nai có 48 đơn vị…

Năm 2010 đánh dấu một xu hướng mới tại các địa phương về ứng dụng phần mềm nguồn mở là ứng dụng giải pháp trên máy chủ. Một số địa phương đã nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ khi triển khai các hệ thống CNTT như Bắc Giang có 16 cơ quan nhà nước trên địa bàn sử dụng trang thông tin điện tử được xây dựng trên nền nguồn mở Joomla, 2 huyện và 3 sở sử dụng phần mềm một cửa điện tử xây dựng trên nền nguồn mở Drupal. Quảng Nam có 90% trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc tỉnh được xây dựng trên nền mã nguồn mở như Joomla, Mambo, PhpNuke, DotnetNuke. Tại Bình Định hầu hết các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm nguồn mở hoặc các sản phẩm phát triển trên nền mã nguồn mở. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở tại 27 đơn vị, sở, ban, ngành, phát triển phần mềm lõi cấp phép nguồn mở.

Kinh phí đầu tư cho phần mềm nguồn mở khoảng hơn 16 tỷ đồng là rất nhỏ so với kinh phí mua bản quyền phần mềm văn phòng của Microsoft năm 2007 (hơn 400 tỷ đồng) và kinh phí mua phần mềm thương mại nguồn đóng trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Qua đó có thể thấy với nguồn kinh phí khá hạn hẹp, kết quả đạt được trong việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở của các địa phương là đáng kể và có những tín hiệu tích cực mặc dù vẫn còn một số hạn chế do kinh phí cho phần mềm nguồn mở hỗ trợ từ ngân sách trung ương hạn chế, kinh phí địa phương hầu như không có nên việc triển khai đào tạo, sử dụng còn chưa được thực hiện đồng bộ dẫn đến giảm hiệu quả của công tác đào tạo sử dụng.