Bạc Liêu: Tọa đàm về kết quả thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 77 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, sáng ngày 10/12/2010, tại thành phố Bạc Liêu, Hội nhà báo chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi Tọa đàm về kết quả và những vấn đề cần xem xét điều chỉnh để thực hiện tốt hơn Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

img

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Hội nhà báo Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đặng Thanh Tốt cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; đại diện lãnh đạo UBND huyện, thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh; Trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các báo trung ương tại Bạc Liêu.

Đến nay đó có 22 Sở, ngành và huyện, thành phố ban hành Quy chế và cử cán bộ phát ngôn của cơ quan, đơn vị. Theo báo cáo bước đầu xác lập trách nhiệm, mối quan hệ xã hội - pháp lý giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan báo chí trong hoạt động thông tin, góp phần tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã giúp cho các cơ quan báo chí tiếp cận, nắm bắt những thông tin chính xác các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội…; phản ánh tình hình một cách trung thực có tác dụng tuyên truyền giáo dục; tạo điều kiện để phóng viên, báo đài gần gũi, gắn bó với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động này chưa đi vào nề nếp ổn định, thường xuyên, kết quả đạt được còn hạn chế. Việc cử người phát ngôn của các sở, ngành và UBND huyện, thành phố chưa thống nhất. Có Sở, ngành cử người phát ngôn là Giám đốc, Phó Giám đốc, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng chuyên môn…. Đối với UBND huyện, thị thì người phát ngôn là Phó Chủ tịch UBND, Chánh văn phòng HĐND và UBND, và có huyện người phát ngôn là Trưởng phòng Tư pháp huyện. Một số Sở, ngành, UBND huyện, thành phố chưa quan tâm chủ động tổ chức họp báo định kỳ, đột xuất, hoặc bằng hình thức khác để cung cấp kịp thời thông tin chính thức cho các phóng viên báo, đài. Một số phóng viên báo, đài than phiền vẫn còn khó khăn trong tiếp cận các nguồn thông tin. Về mặt tâm lý, không ít phóng viên lại muốn gặp chính người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để nắm thông tin, vì như thế sẽ “an toàn” hơn. Mặt khác, có Sở, ngành yêu cầu khi báo, đài đưa tin lĩnh vực nào đó không nên cắt xén nội dung, vì như vậy dễ dẫn đến người đọc, người xem hiểu lệch, hiểu sai bản chất của vấn đề.

Tại Buổi tọa đàm, lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đã có ý kiến trao đổi nhiều vấn đề như: Nội dung và phương pháp cung cấp thông tin; Xác định vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của người phát ngôn, cung cấp thông tin; Những giải pháp để nâng cao năng lực trình độ của người phát ngôn; Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và giải pháp để mang lại hiệu quả cao trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo …

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đặng Thanh Tốt, để nâng cao chất lượng hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất UBND tỉnh quy định cụ thể về tiêu chuẩn, vị trí của người phát ngôn tại các cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo có đủ điều kiện về thẩm quyền, trách nhiệm, tư cách và am hiểu vấn đề khi thực hiện phát ngôn và quan hệ cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Người phát ngôn phải thật sự chủ động tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan báo chí tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tin chính thức từ các cơ quan nhà nước; Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng phát ngôn; Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và có hình thức khen thưởng khích lệ các đơn vị thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nguồn: Sở TT&TT Bạc Liêu