Long An: Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính

Năm 2009 là năm tỉnh Long An quan tâm triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính và đã mang lại những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

img

Về hạ tầng mạng, môi trường kết nối: 100% Sở ngành tỉnh đã xây dựng mạng nội bộ tại đơn vị, 100% UBND cấp huyện, thành phố đã xây dựng mạng nội bộ kết nối các phòng ban, đơn vị quan trọng. Về xây dựng mạng diện rộng của tỉnh, Cục Bưu điện Trung ương đã tiến hành kéo đường truyền cáp quang cho 100% Sở ngành tỉnh, Văn phòng Đảng uỷ và UBND cấp huyện; đã tiến hành lắp đặt thiết bị đầu cuối cho 14 huyện, thành phố và 15 Sở ngành trọng điểm.

Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, giai đoạn I (2007-2010)” hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt. Từng bước xây dựng hệ thống thông tin trong công tác quản lý hành chính nhà nước tại UBND các huyện, thành phố. Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và xử lý các quy trình làm cơ sở cho việc thực hiện cải cách hệ thống hành chính trở nên rõ ràng, minh bạch đối với các đơn vị, thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách bộ máy và phương thức làm việc của các huyện và thành phố Tân An.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh: hiện cung cấp 2056 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2. Số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 còn rất ít (chỉ có Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công việc đăng ký kinh doanh). Hiện có 6 Sở ngành và 5 huyện, thành phố có trang thông tin điện tử tích hợp chung trong cổng thông tin điện tử của tỉnh và 7 Sở ngành có trang thông tin điện tử riêng biệt.

Về sử dụng thư điện tử: tỷ lệ CBCC được cấp thư điện tử đến nay trên 90% (trên 2.500 CBCC đã được cấp địa chỉ thư điện tử/2.650 CBCC toàn tỉnh). Tuy nhiên  còn một số các cơ quan, đơn vị chưa triển khai thực hiện, tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc còn rất thấp, chưa đạt yêu cầu.

Về sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng: một số đơn vị đã đầu tư phần mềm quản lý văn bản theo mô hình và công nghệ mới (Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Cần Đước…) góp phần giảm chi phí giấy tờ, tăng hiệu quả xử lý công việc. Một số đơn vị vẫn còn sử dụng phần mềm quản lý văn bản của Đề án 112, tuy nhiên không phát huy tác dụng vì không gửi nhận văn bản trực tiếp mà chỉ gửi thông tin và nội dung trích yếu của văn bản.

Về Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh: đang triển khai thực hiện dự án, theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động chính thức đầu Quý II/2010 nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến của lãnh đạo tỉnh, giảm chi phí đi lại, tổ chức hội họp.

Nhìn chung năm 2009, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước bước đầu đạt được một số kết quả nhất định; hoàn thành cơ bản việc ứng dụng CNTT để giải quyết hồ sơ hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, giảm được thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác. Riêng Cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện cung cấp nhiều dịch vụ công mức độ 1, 2 phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác cải cách hành chính cũng còn một số mặt hạn chế như: tỷ lệ các cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng chỉ đạt khoảng 30%; Việc sử dụng thư điện tử trong khối cơ quan nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc còn rất thấp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã cơ bản hoàn thành (một số phân hệ quan trọng: đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, cấp giấy phép xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trên, phân hệ web điều hành, tổng hợp thông tin, tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ theo mô hình 1 cửa) trên địa bàn toàn tỉnh. Đã bước đầu phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính ở phần lớn các địa phương được triển khai. Song, vẫn còn một số huyện chưa tích cực triển khai  sử dụng hoặc có triển khai sử dụng nhưng không đảm bảo quy trình vận hành; đây cũng là một vấn đề tồn tại, hạn chế cần được các địa phương quan tâm khắc phục.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác CCHC năm 2010 và những năm tiếp theo, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động, tập trung triển khai mạnh mẽ vào các vấn đề sau: Đẩy mạnh việc sử dụng thư điện tử trong cơ quan nhà nước để trao đổi thông tin, gởi nhận văn bản, đảm bảo tối thiểu 90% CBCC được cấp thư điện tử, trong đó tối thiểu 60% CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử để giải quyết công việc hàng ngày; tăng cường triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng, đảm bảo tối thiểu 30% UBND cấp huyện, thành phố và 20% Sở ngành cấp tỉnh triển khai sử dụng; Tiếp tục theo dõi, vận hành tốt các phần mềm theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã triển khai, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt trên quy mô toàn tỉnh, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 1 đã hoàn thành, tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 của dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh là đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính công; Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 song song với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và CNTT tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Nguồn: Ngọc Em - PCNTT