Tin hoạt động Sở TT&TT Quảng Nam

11/2/2009 9:05:12 AM

* Hội thảo Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính theo cơ chế một cửa tại tỉnh Quảng Nam * Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản


* Hội thảo Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính theo cơ chế một cửa tại tỉnh Quảng Nam

Ngày 29/10/2009, Sở TT&TT Quảng Nam chủ trì tổ chức Hội thảo Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính theo cơ chế một cửa tại tỉnh Quảng Nam. Đế dự hội thảo có đại diện Sở Nội vụ, Sở KH&CN, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, UBND TP Hội An, UBND huyện Thăng Bình, UBND huyện Điện Bàn và UBND huyện Bắc Trà My.

Hội thảo đã nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.600 thủ tục hành chính, trong đó 27/27 Sở, ngành (và tương đương), 17/18 huyện/thành phố, 186/236 xã đã thực hiện cơ chế một cửa. Kết quả bước đầu việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực, giảm phiền hà, phức tạp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo bước chuyển biến trong mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính thành phố với công dân và doanh nghiệp theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn hình thức, thậm chí có nơi không còn hoạt động, chưa thật sự quan tâm chất lượng hoạt động, thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn đối với cơ sở; chưa niêm yết công khai các TTHC, phí và lệ phí. Bên cạnh đó việc bố trí cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (BPTN&TKQ) còn bất cập về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng làm việc của BPTN&TKQ không đáp ứng các yêu cầu.

Từ kinh nghiệm của các đơn vị đã triển khai sử dụng mô hình một cửa ứng dụng CNTT như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở TT&TT Quảng Nam đã nghiên cứu, xây dựng mô hình “một cửa điện tử” trên cơ sở tích hợp hệ thống dữ liệu hành chính huyện, thành phố vào dữ liệu hành chính toàn tỉnh thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh. Từ đó người dân có thể truy cập, tìm hiểu quy trình và gửi hồ sơ dễ dàng thông qua web và dịch vụ công phục vụ dân. Cán bộ công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua web phục vụ điều hành và quản lý. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, yêu cầu các Sở, ban ngành, huyện, thành phố phải đảm bảo được hạ tầng mạng gồm mạng LAN máy chủ, kết nối internet và IP tĩnh; ở xã, phường phải có máy trạm, internet để tạo thành một mô hình liên thông giữa các cấp thông qua mạng riêng ảo. Trong giai đoạn tới, triển khai xây dựng “Một cửa điện tử” sẽ gắn với xây dựng ISO và tương lai sẽ gắn với chữ ký số và giao dịch điện tử. Khi đó, việc tiếp nhận hồ sơ điện tử trở thành hiện thực, bộ phận một cửa trở thành bộ phận “Một cửa ảo”, chỉ cần một cán bộ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Kết luận tại buổi Hội thảo, đ/c Hồ Quang Bửu đã nhấn mạnh việc xây dựng phần mềm một cửa điện tử là rất cần thiết trong trong điều kiện hiện nay, người dân rất cần thông tin công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính, người lãnh đạo cần thông tin chỉ đạo điều hành, người cán bộ phụ trách chuyên môn cần thông tin báo cáo, thống kê, kiểm soát khối lượng công việc. Mặc dù còn những thiếu sót, nhưng với thời gian và mức độ kinh phí còn hạn hẹp, đề tài  Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính theo cơ chế một cửa tại tỉnh Quảng Nam đã góp một phần nhỏ vào việc ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục theo cơ chế một cửa của tỉnh. Đặc biệt là với phần mềm một cửa điện tử, đây là một trong những công cụ nhằm cung cấp dịch vụ công đến người dân.

* Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản

Sáng ngày 30/10/2009, Sở TT&TT Quảng Nam tổ chức lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản cho cán bộ, lãnh đạo các báo, đài, tạp chí, đài phát thanh  huyện và đội ngũ phóng viên, nhà báo của tỉnh.

Lớp bồi dưỡng đã nghe đ/c Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí trình bày những kiến thức pháp luật, những qui định trong hoạt động báo chí và tình hình hoạt động hiện nay của các loại hình báo chí gồm báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của nhà nước và của nhân dân. Đ/c cũng mong muốn báo chí của tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng tỉnh. Thông qua lớp bồi dưỡng, đại biểu Đài truyền thanh phát lại truyền hình của các huyện cũng đã kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý báo chí tại địa phương. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về phân cấp Đài truyền thanh phát lại truyền hình.