Ngày 19/12/2008, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội thảo “Rút kinh nghiệm việc triển khai thí điểm mô hình công sở điện tử”. Đến dự Hội thảo có lãnh đạo Sở TT&TT, khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; UBND, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Trung tâm an ninh mạng (Bkis) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày 19/12/2008, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội thảo “Rút kinh nghiệm việc triển khai thí điểm mô hình công sở điện tử”. Đến dự Hội thảo có lãnh đạo Sở TT&TT, khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; UBND, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Trung tâm an ninh mạng (Bkis) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại Hội thảo, Sở TT&TT Gia Lai - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh có báo cáo đề dẫn Hội thảo. Báo cáo nêu rõ thực trạng về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước phục vụ cải cách hành chính; giới thiệu với Hội thảo một số chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển và ứng dụng CNTT như Luật CNTT, các Nghị định, văn bản hướng dẫn và đặc biệt là Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 03/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước”. Theo đó thì từ ngày 01/01/2009, cấp quận, huyện, sở, ban, ngành thuộc tỉnh bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, bắt buộc ứng dụng hệ thống thư điện tử vào hoạt động quản lý hành chính; các văn bản của tỉnh như Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND "V/v Phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến 2015 và định hướng đến năm 2020"; Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc "Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác Quản lý hành chính nhà nước phục vụ cải cách hành chính"; các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng và triển khai đề án Hội nghị qua mạng trên toàn tỉnh trong năm 2009.
UBND thành phố Pleiku và Sở Tài chính là 02 đơn vị được UBND tỉnh chọn để thí điểm mô hình công sở điện tử đã có báo cáo tham luận tại Hội thảo. Việc áp dụng mô hình công sở điện tử đã giúp các đơn vị tin học hoá các quy trình nghiệp vụ, xây dựng một hệ thống quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua môi trường mạng, chuyển đổi thói quen làm việc trên giấy tờ, tài liệu giấy sang làm việc trên môi trường mạng thông qua các hệ thống thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành và chuyên môn tại các đơn vị. Thời gian đầu, tuy có khó khăn về sử dụng như tâm lý còn ngại sử dụng quy trình quản lý công việc mới; thói quen làm việc thủ công, trình độ ứng dụng CNTT không đồng đều của người sử dụng; sự ổn định của hệ thống máy tính và hệ thống mạng nhưng các đơn vị đều đánh giá tính khả thi và thành công của mô hình này. Việc áp dụng mô hình này là một cách tiếp cận phương pháp làm việc hiện đại, năng động, tiết kiệm được thời gian, công sức; bước đầu đã tạo ra thay đổi lớn trong công tác quản lý và điều hành, tác nghiệp của toàn bộ cán bộ, chuyên viên trong cơ quan và mong muốn mô hình này sẽ được triển khai nhân rộng ra các đơn vị trên địa bàn tỉnh để góp phần xây dựng thành công “chính quyền điện tử” ở tỉnh trong thời gian tới.
Đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phát biểu và thảo luận về những trăn trở, những vướng mắc trong việc ứng dụng CNTT ở đơn vị, địa phương, ở ngành mình, nhất là việc triển khai mô hình “công sở điện tử” và xây dựng hộp thư điện tử cá nhân; trong đó băn khoăn nhiều nhất của nhiều đại biểu là chi phí về phần mềm văn phòng điện tử là quá cao, nguồn kinh phí để duy trì hàng năm và đề nghị việc triển khai, nhân rộng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đại diện của đơn vị cung cấp giải pháp về mô hình công sở điện tử, Trung tâm an ninh mạng thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao đổi những giải pháp kỹ thuật cả phần cứng lẫn phần mềm trên cơ sở kinh nghiệm đã triển khai thực tế; đánh giá được những mặt đạt được và cả những mặt chưa được, tồn tại, vướng mắc trong khi triển khai 2 mô hình thí điểm "công sở điện tử" tại tỉnh.
Trong cải cách hành chính, ứng dụng CNTT là một trong những nội dung quan trọng nhất, là giải pháp hàng đầu để tăng cường năng lực và hiệu quả công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước; thay đổi phương thức và giảm chi phí hoạt động của bộ máy hành chính; là công cụ hỗ trợ cải tiến lề lối làm việc góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, tiến tới hình thành "Chính phủ điện tử" và "Chính quyền điện tử" các cấp. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ một lúc là chưa khả thi. Thay mặt Ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở TT&TT đã nhấn mạnh, việc triển khai "công sở điện tử" là cần thiết nhưng cần có những kế hoạch, bước đi thích hợp theo năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở rút kinh nghiệm triển khai ở các Bộ ngành, các tỉnh thành khác và các mô hình đã triển khai ở tỉnh. Sở TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra các giải pháp để có sự đồng bộ, hợp lý giữa việc đầu tư phần cứng - đầu tư phần mềm - đào tạo nhân lực về CNTT một cách hợp chuẩn, hiện đại, thống nhất và tham mưu cho tỉnh các giải pháp nguồn lực để triển khai "Công sở điện tử" như về nguồn vốn đầu tư, về thu hút, đào tạo, ưu đãi nguồn nhân lực chuyên trách CNTT ở từng đơn vị, địa phương và các cơ chế, chính sách cần có cho phát triển CNTT, nhất là ứng dụng CNTT trong công tác quản lý phục vụ cải cách hành chính nhà nước một cách hiệu quả và có bước đi vừa nhanh vừa vững chắc; góp phần vào sự thành công trong ứng dụng CNTT nói riêng và cải cách nền hành chính của tỉnh Gia Lai nói chung./.