Ngày 28/02/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Quy hoạch phát triển BCVT tỉnh Quảng Nam nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo phát triển bưu chính, viễn thông thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành; tạo môi trường pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông và Internet trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mạng lưới điểm phục vụ rộng khắp với nhiều hình thức khác nhau, chất lượng tốt. Phổ cập dịch vụ có chất lượng cao, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công ích đến tất cả các điểm phục vụ trên toàn tỉnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ đến xã, thôn với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm cho xã hội và đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP ngày càng cao. Viễn thông tạo điều kiện cho phát triển các ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân; đảm bảo phục vụ tốt và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống. Đến năm 2010, chỉ tiêu phát triển Bưu chính, Viễn thông của tỉnh ngang bằng cả nước.
Theo đó, Quyết định đã phê duyệt:
* Chỉ tiêu đến năm 2010 như sau:
1. Chỉ tiêu phát triển Bưu chính:
a.Về phát triển dịch vụ
- Phổ cập đa dạng dịch vụ, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công ích, từng bước cung cấp dịch vụ truy nhập Internet đến các điểm bưu điện văn hóa xa. Xây dựng hệ thống tài liệu, sách báo kỹ thuật nông nghiệp tại các điểm bưu điện văn hóa xã.
- Các dịch vụ bưu phẩm thường, bưu kiện duy trì tốc độ tăng trưởng 12-15%/năm. Dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ 15-20%. Duy trì tốc độ tăng trưởng các dịch vụ phát hành báo chí 8% hàng năm.
b. Về phát triển mạng lưới
- Mở rộng mạng lưới vận chuyển để nâng cao chất lượng dịch vụ và rút ngắn thời gian phát báo, công văn xuống cấp xã. Chỉ tiêu số dân/điểm phục vụ còn 3.000 người/điểm phục vụ và bình quân bán kính phục vụ là 2.5km/điểm phục vụ.
- Đến năm 2010, 100% xã có BĐVHX, 20% thôn bản có nhà Bưu điện văn hóa cộng đồng và các đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông.
2. Chỉ tiêu phát triển Viễn thông:
a.Về phát triển dịch vụ
- Đến năm 2010 mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt mức 39 - 44 máy/100 dân trong đó mật độ điện thoại cố định là 17 – 19 máy và điện thoại di động là 22 – 25 máy, mật độ Internet đạt 6,2 thuê bao/100 dân và tỷ lệ dân số sử dụng Internet là từ 25% - 35%.
- Mở rộng phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet theo nguyên tắc và chương trình hoạt động của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet cho ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan.
b. Về phát triển mạng lưới
- Phát triển mạng điện thoại cố định đến các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.
- Phát triển mạng cáp quang đến tất cả các huyện, khu hành chính, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, du lịch trong tỉnh, tăng dung lượng mạng truyền dẫn để phục vụ cho các dịch vụ băng rộng.
- Khuyến khích các doanh nghiệp dùng chung cơ sở hạ tầng mạng cáp như: vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, cống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp để tránh tình trạng triển khai xây lắp trùng lặp gây lãng phí đầu tư. Đến năm 2010, triệt để ngầm hóa mạng cáp đến các khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch, trung tâm hành chính, trung tâm huyện, thị, thành phố.
- Tăng cường độ phủ và chất lượng sóng di động đến các vùng nông thôn để phục vụ nhân dân. Nâng cấp hệ thống, triển khai các công nghệ và dịch vụ mới (GPRS, W-CDMA, HSDPA…), đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
- Đẩy mạnh việc phổ cập Internet đến tất cả các xã trong tỉnh. Đến năm 2010 bảo đảm 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng, 100% huyện được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.
- Phát triển mạng viễn thông nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng các trạm viba hiện có, riêng đối với những địa phương địa hình phức tạp, giao thông còn gặp nhiều khó khăn, thông tin vô tuyến chưa thể phủ tới được sẽ phải sử dụng hệ thống thông tin qua vệ tinh VSAT, đặc biệt là VSAT băng rộng (VSAT-IP).
- Phát triển mạng viễn thông theo mô hình mạng NGN, cáp hóa toàn tỉnh, đưa dung lượng các tuyến nhánh trên 155Mps và dung lượng vòng ring trên 2,5 Gbps. Mạng ngoại vi cần ưu tiên phát triển mạng truy nhập quang, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cáp quang xuống xã trong giai đoạn 2008-2012.
* Định hướng phát triển đến năm 2020:
1. Định hướng phát triển bưu chính:
Xây dựng các điểm phục vụ đến các khu vực dân cư vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hóa trong khai thác và tin học hóa các công đoạn bưu chính. Đến năm 2015 hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh. Lộ trình ứng dụng tin học hóa cấp bưu cục, điểm phục vụ thực hiện trong giai đoạn 2010-2015.
2. Định hướng phát triển viễn thông:
Phát triển mạng truy nhập quang trong toàn tỉnh theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ đảm bảo khách hàng được cung cấp dịch vụ băng rộng và truy nhập đa giao thức và các dịch vụ viễn thông tại nông thôn sẽ ngang bằng với thành thị. Thay thế các tuyến cáp đồng đưa xuống cấp xã bằng cáp quang trong giai đoạn 2010-2015. Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng với các công nghệ WCDMA (3G) hoặc 4G hoặc Wimax. Phần chuyển mạch và truyền dẫn sẽ được tích hợp với mạng NGN. Xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai theo hướng cùng đầu tư và chia sẻ hạ tầng.
* Danh mục các dự án trọng điểm:
1. Các dự án phát triển bưu chính
- Phát triển mạng điểm phục vụ
- Phát triển nhà bưu điện văn hóa cộng đồng
- Tủ sách kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp cho các điểm BĐVH xã, nhà bưu điện – văn hóa cộng đồng.
Đơn vị chủ trì là Sở BCVT và các doanh nghiệp với tổng kinh phí đầu tư là 15.274,5 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, Vốn ODA, quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.
2. Các dự án phát triển viễn thông
- Phát triển mạng điện thoại cố định
- Phát triển mạng điện thoại di động
- Phát triển mạng Internet
- Phát triển mạng truyền dẫn cáp quang.
- Phát triển mạng viễn thông nông thôn
với tổng kinh phí đầu tư là 898.008 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, Vốn ODA, quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.
* Giải pháp thực hiện:
- Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư: vốn ODA, nguồn vốn từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhằm mục đích hoàn thiện và hiện đại hóa mạng bưu chính, viễn thông
- Khuyến khích và tạo các điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. Khuyến khích các DN tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư và hạ giá cước dịch vụ.
- Hình thành lộ trình thích hợp để chuyển đổi mạng bưu chính, viễn thông theo hướng hiện đại, độ phủ rộng, băng thông rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng các chỉ tiêu cần đạt được về BC và VT thích ứng với xu hướng phát triển của quốc gia và quốc tế.
- Đâye mạnh đầu tư phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tại các khu vực kinh tế hạt nhân của tỉnh như khu KTM Chu Lai, KCN Điện Nam, Điện Ngọc, khu du lịch Hội An, Mỹ Sơn và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh
- Tăng cường quản lý nhà nước trên cơ sở giám sát chất lượng mạng và dịch vụ theo các tiêu chuẩn đã được Bộ BCVT quy định. Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển BC,VT với các công trình xã hội khác.
Giao cho Sở BCVT tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, với các doanh nghiệp và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện Quy hoạch. Căn cứ vào tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đi trước, đón đầu góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Trình UBND tỉnh những nội dung cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp.