Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan báo chí ở nước ngoài

Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015, 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam.

img
Đến năm 2020, tối đa 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam.

Theo Quy hoạch, các cơ quan được mở văn phòng thường trú ở nước ngoài gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số các cơ quan báo chí khác. Trong đó, đơn vị chủ lực là Thông tấn xã Việt Nam.

Các văn phòng thường trú được ưu tiên mở tại các địa bàn trọng điểm: Các nước láng giềng, các nước ASEAN; những nước có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu; những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; những nước có đông người Việt Nam sinh sống...

Đối với các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam), thành lập mới văn phòng thường trú phù hợp với quy hoạch, đồng thời kiện toàn lại tổ chức các văn phòng thường trú hiện nay, bảo đảm sự thống nhất, coi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, khu vực, quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.

Đối với các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng nguồn lực từ hoạt động của mình (Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí khác), căn cứ vào nhu cầu của mình, nguyên tắc mở văn phòng thường trú và phân bố các văn phòng thường trú, trình cấp thẩm quyền phê duyệt việc mở thêm văn phòng thường trú của đơn vị mình.
 
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ