Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam họp lần thứ 6

Sáng 13/5/2015, tại Hà Nội, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ 6 để báo cáo tình hình triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất và một số nội dung trong công tác thông tin tuyên truyền đối với thiết bị thu truyền hình số mặt đất tới người dân và thời gian ngừng phủ sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương... Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Trưởng Tiểu ban giúp việc Lê Nam Thắng chủ trì phiên họp.

img

Ảnh minh họa (Nguồn internet).

Theo báo cáo của đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan phối hợp với các địa phương để triển khai các công tác chuẩn bị nhằm tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất đúng lộ trình số hóa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có xuất hiện một số khó khăn về vấn đề phát sóng truyền hình, thiết bị thu truyền hình...làm ảnh hưởng đến tiến độ số hóa. 

Tình hình triển khai số hóa truyền hình

Cả nước hiện nay đã hình thành được 03 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phạm vi toàn quốc là VTV, VTC, AVG và 02 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phạm vi khu vực là công ty RTB khu vực đồng bằng Bắc bộ và công ty SDTV khu vực Nam bộ. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã thiết lập trạm phát sóng DVB –T2 tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương và 05 tỉnh thuộc nhóm II, III (04 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và Hà Tĩnh). AVG đã triển khai phủ sóng DVB-T2 tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước chiếm 45% dân số.

Đối với thiết bị thu truyền hình số mặt đất, thời gian qua số lượng sản phẩm, máy thu hình có chức năng truyền hình số mặt đất DVB-T2 đã đưa ra phân phối rộng khắp trên thị trường. Nếu tại thời điểm tháng 4/2014, chỉ có 87 mẫu tivi thích hợp chức thu DVB-T2 được lưu thông trên thị trường thì tới tháng 4/2015 đã có 113 mẫu tivi thích hợp tính năng DVB-T2 được các doanh nghiệp cung cấp ra thị trường. Trong đó có 14  mẫu sản phẩn đầu thu truyền hình số DVB-T2 của 9 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thủ tục, công bố hợp quy. Tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã có hai doanh nghiệp cung cấp STB DVB-T2.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Ban chỉ đạo đã xác định cần thông tin tin rộng rãi tới người dân, đây cũng là công tác trọng tâm của Đề án. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị nội dung, phương thức nhắn tin tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất. VTV đã sản xuất và phát sóng các video clip, Đà Nẵng mở tổng đài tư vấn và giải đáp thắc mắc của người dân, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh không dây cấp phường, xã. Tuy nhiên do Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2015-2020 chưa được phê duyệt nên một số công tác thông tin tuyên truyền chưa được triển khai một cách hiệu quả, quyết liệt.

Đối với phương án ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo đã quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự đến đâu thì sẽ phủ sóng truyền hình số các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị đang phát trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự và thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số đến đó.

Khó khăn trong triển khai số hóa truyền hình

Quá trình triển khai cho thấy do điều kiện địa hình phức tạp hoặc do có nhiều chướng ngại vật nên trong vùng phủ sóng số vẫn xuất hiện các điểm lõm sóng hoặc khu vực bị che chắn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất phải thiết lập các trạm bù cho các điểm lõm sóng, khu vực bị che chắn để đảm bảo chất lượng dịch vụ trong vùng phủ sóng. Các doanh nghiệp như VTC đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nguồn lực hạn chế, do đó việc chuyển đổi từ công nghệ DVB-T sang DVB-T2 đang gặp nhiều khó khăn; Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2015-2020 lại chưa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, do đó chưa có căn cứ pháp lý để chi kinh phí thực hiện hỗ trợ và thực hiện điều tra phương thức thu xem của người dân. Bên cạnh đó, việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất trong thời gian từ giữa 2015 đến đầu 2016 sẽ gặp khó khăn do thời gian trùng với  Đại hội Đảng Bộ các cấp để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra vào quý I/2016.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện kiến nghị với Bộ TT&TT cần tiếp tục xây dựng phương án điều tra phương thức thu xem phù hợp tại 05 thành phố; xem xét điều chỉnh thời điểm thí điểm số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đến ngày 31//10/2015; lùi thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 04 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ đến ngày 31/05/2016; xây dựng Thông tư hướng dẫn hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 thực hiện hỗ trợ ngay khi Chương trình Viễn thông công ích được phê duyệt...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho Đề án, đặc biệt tập trung vào đối tượng cần tuyên truyền trong giai đoạn tiếp theo là người dân, kết hợp với việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ở địa phương; Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo cần đẩy nhanh triển khai việc điều tra đối tượng hỗ trợ, chương trình hỗ trợ STB cho các đối tượng theo đúng quy định… Đối với việc lùi thời điểm tắt sóng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đồng ý với kiến nghị của Cục Tần số, theo đó sẽ dời thời gian tắt sóng những kênh quan trọng tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương sau khi Đại hội Đảng lần thứ XII kết thúc.