Sản phẩm hợp pháp duy nhất đang giết chết nhiều người

Thuốc lá- sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết nhiều người có sử dụng nó một cách thường xuyên. Việt Nam dù đang rất nỗ lực thoát vị trí 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc cao, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

img
Cảnh báo những con số tử vong vì thuốc lá
 
Có thể thấy, trong số nhiều sản phẩm, thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết nhiều người có sử dụng nó một cách thường xuyên.
 
Theo số liệu từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo, con số này vẫn có thể gia tăng, nếu toàn thế giới không có những giải pháp triệt để giảm thiểu tỷ lệ này. 
 
Cũng theo WHO dự báo, tới năm 2020, con số người hút thuốc lá có thể sẽ lên tới 1,6 tỷ người.
 
Trước những con số gia tăng đáng lo ngại này, hồi tháng 7/2015, WHO đã kêu gọi các chính phủ tăng thuế đánh lên thuốc lá, đồng thời cảnh báo rằng nếu không có biện pháp hạn chế, trong tương lai mỗi năm con số người chết vì mặt hàng độc hại này sẽ gia tăng nhiều hơn.
 
 Nêu rõ trong báo cáo mang tên "Đại dịch thuốc lá toàn cầu 2015", WHO cho biết, việc tiêu thụ thuốc lá toàn cầu hiện giết chết 6 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số ca tử vong do AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Nếu các nước không có biện pháp hạn chế thuốc lá, con số này sẽ tăng lên 8 triệu vào năm 2030. 
 
Theo WHO, thuốc lá là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đằng sau các bệnh không truyền nhiễm, chủ yếu là ung thư phổi, tim mạch, các loại bệnh ung thư khác và bệnh tiểu đường. 
 
Việt Nam trong top 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao
 
Điều tra Toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá cho thấy, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc), ở nữ giới là 1,4%. 
Có tới hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua.  
 
Theo điều tra tại bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.
 
Còn theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng năm 2013, 28% số ca tử vong ở nam giới Việt Nam từ 35 tuổi trở lên có liên quan đến sử dụng thuốc lá. 
 
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, trong năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP, phê duyệt chính sách quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá 2000-2010.
 
Tháng 11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới với cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các tổn thất do sử dụng thuốc lá. Tham gia công ước, Việt Nam đã cam kết thực thi các biện pháp giảm nhằm kiểm soát nguồn cung cấp và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. 
 
Với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai Công ước, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể, các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng mạng lưới phòng chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc trên toàn quốc. 
 
Công ước đã đóng vai trò quyết định tác động đến khung pháp lý về kiểm soát thuốc lá của Việt Nam mà trong số đó Luật phòng chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 là điển hình tiêu biểu. 
 
Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Đồng thời, chương trình này cũng được nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành và tổ chức xã hội hưởng ứng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hạn chế hút thuốc lá. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố hoạt động phòng,chống tác hại của thuốc lá.