Tình hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

11/6/2012 12:00:00 AM


Trong những năm qua, nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp hóa và hoạt động thật sự có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, Lào Cai đã xây dựng đề án “Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010”. Đề án xác định một trong năm mục tiêu cụ thể là: “Từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh…”

Cùng với công cuộc cải cách hành chính thời gian qua, Lào Cai đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định 118/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 144/2006/QĐ-TTg. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đã thể hiện quyết tâm cao trong áp dụng ISO vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua việc dành một phần không nhỏ kinh phí từ nguồn cải cách hành chính để hỗ trợ các cơ quan hành chính nhà nước triển khai xây dựng và áp dụng ISO.
 
Đến nay, Lào Cai đã có 18 đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận và đánh giá chứng nhận phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Năm 2011, Lào Cai phấn đấu hoàn thành việc triển khai xây dựng, áp dụng và mở rộng cho 28 đơn vị. Phấn đấu đến hết năm 2013, hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001: 2008 theo chỉ đạo tại Quyết định 118/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở 100% các cơ quan, đơn vị hành chính, bao gồm các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện và thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
 
Quá trình triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua đã đạt được kết quả rõ nét, đó là: Bước đầu tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu quả hơn thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đã xây dựng; việc tổ chức, thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên, hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc. Thông qua áp dụng ISO, lãnh đạo đơn vị điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất. Cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, được đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm khách quan hơn, thực hiện được trách nhiệm, quyền lợi của mình đúng nơi, đúng người có thẩm quyền phê duyệt. Cán bộ công chức còn được đào tạo, tập huấn nâng cao về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, được làm việc trong môi trường ngày càng tốt hơn. Việc áp dụng HTQLCL theo ISO làm giảm đáng kể hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức. Các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc niêm yết công khai, minh bạch. Người dân đến cơ quan nhà nước được hướng dẫn tận tình, trả kết quả xử lý đúng hẹn. Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao, tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân.
 
Tuy nhiên, Lào Cai là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, việc thấu hiểu các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO đối với từng lĩnh vực hoạt động tại các đơn vị hiện nay còn nhiều hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng. Để phát huy tốt tính ưu việt của hệ thống quản lý chất lượng, rất cần có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp, các ngành; sự hiểu biết, thực thi tốt nhiệm vụ của cán bộ công chức và sự tham gia, giám sát chặt chẽ của nhân dân để việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực sự có hiệu quả, góp phần đắc lực đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính tại địa phương.
 
Từ những kết quả trên, quá trình triển khai áp dụng ISO trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi:
Có sự chỉ đạo hướng dẫn thực hiện của Bộ Khoa học và Công nghệ và sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo việc xây dựng Đề án và Kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện đúng thời gian tiến độ.
Ban Lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện ISO, trong thực hiện chú trọng nhiều ở khâu ứng dụng và xem đó là công cụ quản lý hữu hiệu trong công việc.
Các cơ quan triển khai áp dụng ISO: Thực hiện tốt về nhiệm vụ áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tư vấn áp dụng ISO.
 
Chuyên gia tư vấn nhiệt tình, luôn đảm bảo thời gian tư vấn hợp lý cho việc hướng dẫn áp dụng, vận hành HTQLCL, đặc biệt là các quy trình manh tính hệ thống, đảm bảo cho việc duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống.
 
Khó khăn:
Trong quá trình triển khai các đơn vị phải dành chi phí, thời gian và công sức để xây dựng, thực hiện, duy trì cải tiến liên tục; phải có sự quyết tâm và nỗ lực cao từ phía lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức khi thực hiện; tuy nhiên một số đơn vị chưa thực sự có sự ủng hộ cao nhất của lãnh đạo cũng như sự nhiệt tình vào cuộc của cán bộ, công chức.
 
Nhận thức trong cán bộ, công chức về áp dụng hệ thống ISO còn mới mẻ, do vậy khi thực hiện theo một quy trình mới bắt buộc thì phải có thời gian mới đi vào nề nếp, mới vận hành theo đúng quy định.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thay đổi liên tục khiến các thủ tục hướng dẫn, biểu mẫu cũng phải thay đổi, gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
Ban chỉ đạo công tác ISO của cơ quan vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa kiêm nhiệm thêm các công việc của HTQLCL, thời gian tập trung chỉ đạo, kiểm tra giám sát chưa liên tục nên hiệu quả công việc áp dụng hệ thống chưa cao.
 
Qua quá trình áp dụng ISO, xin rút ra một số kinh nghiệm trong triển khai thực hiện như sau:
- Thủ trưởng cơ quan ngoài việc cam kết thực hiện áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO bằng văn bản còn phải trực tiếp chỉ đạo, tham gia, giám sát toàn bộ quá trình xây dựng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn ISO.
- Kết hợp việc áp dụng HTQLCL với việc chuẩn hoá công vụ, áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động thực thi công vụ để nâng cao hiệu lực hiệu, hiệu quả QLHCN một cách tốt nhất.
- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tổ chức hội thảo về chất lượng nhằm nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý chất lượng cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan QLHCNN trên địa bàn tỉnh.
- Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mọi người hiểu rõ những ưu điểm của việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn ISO, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, để họ tham gia một cách tốt nhất vào các giai đoạn của các quy trình trong HTQLCL của cơ quan QLHCNN.
Có thể khẳng định rằng, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hoạt động của các cơ quan hành chính là một chủ trương đúng đắn. Với những kết quả ban đầu đạt được tại Lào Cai cho thấy việc áp dụng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính của đơn vị, hướng tới phục vụ nhân dân một cách công khai, đúng đắn và hiệu quả, xóa bỏ các quy định mang tính quan liêu, gây phiền hà cho cá nhân và tổ chức. Chúng ta cần đẩy mạnh triển khai áp dụng, mở rộng hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan hành chính, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực lấy thước đo sự thoả mãn khách hàng làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả cho hoạt động của các đơn vị mà trong đó hệ thống quản lý chất lượng là một công cụ hữu hiệu, là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động quản lý./.