Chương trình tập huấn IPv6 là sự kết nối, hỗ trợ của Ban Công tác với các các cơ quan Đảng và Nhà nước nói chung và với khối các Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội nói riêng - đây là khối các đơn vị quan trong trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Từ đó, chương trình tạo đà triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong khối cơ quan Đảng, Nhà nước theo đúng mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Trước đó, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, từ ngày 12 - 14/7/2017, tại TP.Đà Nẵng, VNNIC cũng đã chủ trì tổ chức chương trình đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về triển khai IPv6 và tọa đàm về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ cơ quan Đảng, Nhà nước dành cho các cán bộ đến từ đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành trên địa bàn miền Bắc và miền Trung.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2017, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thúc đẩy tỉ lệ truy cập qua IPv6 trong khối mạng, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước (hiện vẫn đang còn thấp), góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn và tin cậy trên nền tảng công nghệ từ năm 2019.
Cụ thể, theo kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia năm 2017, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng văn bản, chính sách để tăng cường ứng dụng IPv6 trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng sẽ bổ sung nội dung yêu cầu hỗ trợ, sử dụng IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về viễn thông và CNTT của Bộ TT&TT; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách tạo lập thị trường.
Theo đó, 2 cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT là Cục Tin học hóa và Vụ CNTT của Bộ TT&TT được giao chủ trì, phối hợp cùng VNNIC, Cục Bưu điện Trung ương và Vụ Pháp chế triển khai nghiên cứu, bổ sung quy định chính sách yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT trong khối Chính phủ, bao gồm mạng lưới, dịch vụ công, ứng dụng chính phủ điện tử; bắt buộc các website chính của cơ quan Đảng, Nhà nước phải hỗ trợ IPv6; nghiên cứu, bổ sung quy định bắt buộc hỗ trợ IPv6 trong dịch vụ CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan nhà nước. Thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này được Ban công tác dự kiến là vào tháng 12/2017.
Tháng 12/2017 cũng là thời hạn Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc mở rộng phạm vi triển khai IPv6 và tăng cương lưu lượng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, bao gồm: triển khai IPv6 cho mạng Văn phòng Chính phủ; mở rộng dịch vụ hỗ trợ IPv6 và tăng lưu lượng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước, đặc biệt là lưu lượng từ mạng Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và Bộ TT&TT.
Dự kiến vào cuối năm nay, các cơ quan Đảng và Nhà nước sẽ kích hoạt hỗ trợ IPv6 và gán nhãn IPv6 ready logo cho trang điện tử chính của đơn vị, đặc biệt là các website với tên miền “.gov.vn”.