(Mic.gov.vn) -
Từ năm 2012 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã trả tiền thuê mua dịch vụ CNTT theo tháng để sử dụng máy tính, máy quét, máy chủ, đường truyền, hệ thống điều hành điện tử Quốc hội ePAS... do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Trung tâm CNTT Tập đoàn VNPT cho biết năm 2012, ngay sau khi Văn phòng Quốc hội đặt đầu bài, VNPT đã tư vấn giải pháp, thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu đề ra. Tiếp đó, VNPT đã đầu tư trọn gói các hệ thống thiết bị mạng, máy chủ, lưu trữ, phần mềm, đường truyền, máy tính, máy scan, các dịch vụ vận hành, bảo trì để cung cấp cho khách hàng đặc biệt này.
Đến nay, Văn phòng Quốc hội đã ký hợp đồng thuê dịch vụ của VNPT và trả tiền hàng tháng cho việc thuê tổng thể rất nhiều thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm do VNPT đầu tư cung cấp. Cụ thể, về phần cứng thiết bị có máy tính PC, laptop, máy scan, máy in, thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, máy chủ. Trong quá trình sử dụng, nếu thiết bị bị hỏng thì sẽ được thay thế nhanh chóng, thậm chí ngay trong ngày.
Về phần mềm, Văn phòng Quốc hội đang thuê hệ thống điều hành điện tử Quốc hội ePAS hoạt động theo mô hình điện toán đám mây (đã được VNPT đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng, triển khai). ePAS rất dễ cài đặt, sử dụng được trên tất cả thiết bị như PC, laptop, iPad, iPhone, smartphone… Tính đến ngày 31/12/2013, hệ thống ePAS đã có 1.250 người dùng. Số lượng văn bản đến của cả năm 2013 là 76.000 văn bản, số lượng văn bản đi là 24.000 văn bản.
Ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh: "Thuê dịch vụ CNTT là một phương thức mới trong việc thúc đẩy, phát triển ứng dụng CNTT cho các cơ quan Nhà nước. Nhưng không nên hiểu nhầm rằng thuê dịch vụ CNTT sẽ ít tốn kém hơn tự đầu tư mua sắm CNTT”.
Theo đại diện VNPT, ưu điểm vượt trội của phương thức thuê dịch vụ CNTT so với phương thức đầu tư mua sắm CNTT thông thường là về việc bố trí vốn. Khi tự đầu tư mua sắm theo kế hoạch vốn hàng năm, nếu đưa ra tổng mức chi phí lớn cho kế hoạch tổng thể sẽ khó được duyệt, còn nếu đưa ra tổng mức đầu tư nhỏ thì chỉ có thể đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, không tạo được hệ thống CNTT đồng bộ. Chuyển sang thuê dịch vụ CNTT thì có thể thanh toán dần chi phí thuê trong nhiều năm mà vẫn có được hệ thống CNTT đồng bộ, hiệu quả.
Mặt khác, nếu tự đầu tư hệ thống CNTT, quy trình đầu tư phức tạp bị cứng hóa theo kế hoạch hàng năm, có những kế hoạch từ khi đề xuất đến khi thực hiện được phải mất tới hàng năm. Nhưng nếu thuê dịch vụ CNTT, nhà cung cấp đã có sẵn nhân lực, nguồn vốn, công cụ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thay đổi linh hoạt theo thực tế của cơ quan thuê dịch vụ.
Ngoài ra, việc đầu tư các dự án CNTT lớn và phức tạp thường có độ rủi ro cao trong quá trình thực hiện dự án. Ngay cả VNPT khi đầu tư dự án CNTT cũng có nhiều dự án thất bại. Tuy nhiên, với phương thức thuê dịch vụ CNTT của các nhà cung cấp như VNPT (có nhiều đối tác là những nhà cung cấp CNTT hàng đầu thế giới) thì sẽ bớt rủi ro, vì khi thấy không đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ, khách hàng sẽ có thể chọn nhà cung cấp dịch vụ khác. Các nhà cung cấp như VNPT phải đảm bảo chất lượng dịch vụ toàn trình 24/7 cũng như sẵn sàng cung cấp cho khách hàng những công nghệ tiên tiến nhất, do đó, những đơn vị thuê dịch vụ như Văn phòng Quốc hội không cần duy trì nhiều nhân lực CNTT cho công việc này.