Ngư dân đảo Bạch Long Vĩ "khát" dịch vụ ngân hàng vì Internet chập chờn

Thứ tư, 31/12/2014 15:30

Người dân huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang phải dùng dịch vụ chuyển tiền qua tàu khách với mức phí cắt cổ. Lý do trên đảo chưa có dịch vụ ngân hàng vì hạ tầng Internet không đáp ứng.

img
 
Di động thông, Internet chập chờn
Mặc dù cách xa đất liền tới gần 200km nhưng trên đảo Bạch Long Vĩ hiện nay đã có đủ dịch vụ viễn thông: điện thoại cố định và  Internet của VNPT, điện thoại di động của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, dịch vụ 3G của Viettel. Dịch vụ viễn thông này đã giúp cho thông tin liên lạc trên đảo với đất liền thuận tiện hơn trước rất nhiều. Hiện trên đảo Viettel đầu tư cột anten cao trên 100m, VinaPhone và MobiFone dùng chung hạ tầng với cột truyền hình nên phạm vi phủ sóng dịch vụ di động khá rộng. Khi tàu cao tốc chạy ngoài khơi cách đảo Bạch Long Vĩ chừng 20km vẫn có thể sử dụng được điện thoại di động với chất lượng tốt.
 
Theo Trạm Viễn thông Bạch Long Vĩ , trên đảo có khoảng trên 400 thuê bao Internet, cố định và di động trả sau. Còn lại số người dùng dịch vụ di động trả trước khá nhiều, chủ yếu là hàng nghìn ngư dân thường xuyên đánh bắt trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
 
Theo ông Lê Xuân Oanh, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, cái lợi thấy rõ nhất từ khi huyện đảo được phủ sóng di động là thuận tiện cho ngư dân khi họ đánh bắt ven bờ cũng như xa bờ. Trước đây, khi đánh bắt ven bờ, thuyền của ngư dân phải đi thành từng nhóm 5-6 thuyền để trao đổi, hỗ trợ nhau, nhưng từ khi có di động họ có thể tách thuyền ra khoảng cách xa hơn vì đã dùng di động để thông tin trực tiếp cho nhau được. Nhờ đó mà hiệu quả đánh bắt cũng cao hơn, an toàn hơn cho ngư dân.
 
Ông Đào Minh Đông, Phó Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết, độ phủ sóng di động khá rộng tới gần 20km ra biển. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ 3G và Internet trên đảo lại rất thấp, Internet chậm và thường xuyên bị nghẽn, có khi bị mất tới 2-3 ngày không truy cập được. Chất lượng Internet kém ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của các cơ quan, đơn vị của huyện. Vì xa đất liền, mỗi tháng chỉ có 3 chuyến tầu ra đảo, cho nên mọi giao dịch công văn, giấy tờ chỉ đạo điều hành giữa huyện với TP.Hải Phòng chủ yếu bằng email, những khi Internet chập chờn ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của chính quyền.
 
"Chúng tôi rất cần được nâng cấp chất lượng dịch vụ Internet để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cũng như phục vụ đầu tư hệ thống mổ trực tuyến qua cầu truyền hình cho Bệnh viện đa khoa huyện. Huyện đã nhiều lần đề xuất với thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng để cải thiện chất lượng dịch vụ Internet nhưng hiện vẫn chưa thể đáp ứng được", ông Đông nói.
 
Ngư dân "khát" dịch vụ ngân hàng
Từ năm 2000 đến nay, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã xây dựng xong một cầu cảng phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ hậu cần phát triển nghề cá. Hàng ngày có từ 300 - 500 tàu cá của ngư dân đánh bắt trên các ngư trường Vịnh Bắc Bộ neo tàuvào đảo để bán hải sản đánh bắt được, mua thực phẩm, nước ngọt và nhiên liệu. Có những đợt gió mùa to hoặc biển động có ngày có hàng nghìn tàu cá vào trú tránh tại cảng Bạch Long Vĩ. Theo kế hoạch, năm 2015 huyện đảo sẽ có thêm một cầu cảng thứ 2 để phục vụ tàu cá.
 
Ông Oanh còn cho biết thêm, hạ tầng Internet không đảm bảo là một trong những lý do chính khiến huyện đảo dù đã thành lập được 22 năm nhưng vẫn chưa có hiện diện của dịch vụ Ngân hàng, chưa có Kho bạc hoạt động. UBND huyện đã mời một số ngân hàng ra khảo sát, thậm chí đã ký biên bản ghi nhớ với Agribank Hải Phòng nhưng chưa một ngân hàng nào lập chi nhánh tại đây vì mạng Internet không đáp ứng yêu cầu kết nối với hệ thống ngân hàng.
 
Cũng vì chưa có sự hiện diện của ngân hàng và kho bạc nên mọi hoạt động tiền tệ trên đảo đều bằng tiền mặt và được lưu thông bằng tàu khách. Từ tiền lương, chi phí hoạt động của các cơ quan trên huyện, đến tiền giao dịch trong dân đều được chuyển qua tàu khách, điều này dễ gây mất an toàn.
 
Đối với ngư dân thì có dịch vụ ngân hàng cũng vô cùng cần thiết. Do đặc thù ngư dân đi đánh bắt xa bờ lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới về nhà. Họ thường neo tàu vào đảo để bán hải sản và mua nhu yếu phẩm, tiền mặt thu được cất giữ trên tàu rất dễ rủi ro.
 
Theo ông Oanh, có nhiều đợt gió bão, tàu neo ở cảng bị đắm, nhiều ngư dân phải thuê thợ lặn hàng chục triệu đồng để vớt két sắt đựng tiền bị chìm dưới biển. Việc cất giữ tiền mặt trên tàu khi ra khơi đánh cá còn rủi ro hơn vì ngư dân có thể bị cướp biển hoặc bị chìm tàu, khi đó công sức nhiều tháng trời của ngư dân sẽ bị mất hết.
 
"Nếu trên đảo Bạch Long Vĩ  có ngân hàng thì ngư dân sẽ gửi tiền vào tài khoản cất giữ khi tàu cập cảng. Chúng tôi rất cần có dịch vụ ngân hàng trên đảo, nhưng thực sự rất khó khăn nếu hạ tầng Internet không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng", ông Oanh cho biết.
 
Một cán bộ Bưu điện Bạch Long Vĩ cũng cho biết, hồi năm 2005 Bưu điện cũng có mở dịch vụ chuyển tiền, khi đó lượng tiền gửi về quê của ngư dân rất lớn, có những ngày bưu điện nhận gửi lên đến tiền tỷ. Tuy nhiên Bưu điện huyện nhận chuyển tiền của dân, sau đó phải chuyển về đất liền qua tàu khách nên nguy cơ gặp rủi ro khá lớn. Vì thế dù dịch vụ chuyển tiền trên đảo có nhiều tiềm năng nhưng không lâu sau Bưu điện đành phải cắt dịch vụ chuyển tiền.
 
Hiện nay, 100% giao dịch tiền tệ của người dân từ đảo Bạch Long Vĩ với đất liền đều là gửi qua dịch vụ của tàu khách, họ phải trả một khoản phí chuyển tiền là10.000 đồng cho 1 triệu đồng.
 
Minh Quyên
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top