Đánh giá các chương trình công nghiệp CNTT đến năm 2012 và định hướng đến năm 2020

Thứ tư, 07/11/2012 11:21

Nhằm xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020, sáng ngày 07/11/2012, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn đến năm 2012, và định hướng đến năm 2020. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ KHCN, các Hiệp hội CNTT, các doanh nghiệp CNTT và các diễn giả.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong nước. Việc thực hiện chương trình trong thời gian qua đã có được sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên gia, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp và hiệp hội. Do vậy, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đã có những bước tiến đáng kể.
 
Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. 
 
img

Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/04/2007 và số 56/2007/Đ-TTg ngày 03/05/2007. Để triển khai hai Chương trình, ngày 03/04/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý các Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam nói trên. Các chương trình được phê duyệt với các định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam như: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng, áp dụng các quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển các doanh nghiệp lớn; thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trọng điểm, xây dựng thương hiệu ngành, phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung. Sau 05 năm triển khai, Chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan.
 
Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam là chương trình đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp CNTT có sự đầu tư của nhà nước. Có thể coi đây là sự cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp CNTT của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Chính vì vậy, mặc dù đầu tư của Nhà nước thuộc phạm vi của Chương trình không lớn nhưng đóng vai trò định hướng, tạo niềm tin thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư vào ngành công nghiệp CNTT… Với những kết quả trên, Chương trình đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2009 – 2011. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đến năm 2011 đạt 13,73 tỷ USD, tăng 220% so với năm 2009, và 79% so với năm 2010. Trong đó, doanh thu từ công nghiệp phần cứng đạt 11,33 tỷ USD chiếm tới 82% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, tăng gấp đôi so với năm 2010. Công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số tiếp tục phát triển với doanh thu lần lượt đạt 1,17 tỷ USD và 1,16 tỷ USD…

Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2020, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/10/2010 phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”, Bộ TT&TT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin 2020. Dự thảo này đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến lần 2 của các Bộ, ngành để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến trong dự thảo Chương trình mới này, các nội dung được tập trung triển khai thực hiện gồm có: Phát triển nguồn nhân lực CNTT; phát triển doanh nghiệp CNTT; phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT của Việt Nam; thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày và chia sẻ kinh nghiệm triển khai phát triển CNTT tại địa phương như: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành công khu CNTT tập trung Đà Nẵng và định hướng phát triển trong giai đoạn mới do ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng trình bày; giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNTT do ông Aru David, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Ưu việt quốc tế trình bày; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT qua các khóa đào tạo ngắn hạn do ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT trình bày; giải pháp thúc đẩy mạnh ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong cơ quan nhà nước do ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty DTT, thành viên Câu lạc bộ PMNM Việt Nam trình bày.
Việt Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top