Khai mạc Chuỗi sự kiện CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế 2019: Khác biệt, đột phá để phát triển

Thứ sáu, 26/07/2019 11:30

Chiều ngày 25/7, tại Khách sạn Vinpearl Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ TT&TT, Chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức Chuỗi sự kiện Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Với chủ đề “Khác biệt, đột phá để phát triển”, đây là Chuỗi sự kiện nhằm khẳng định quyết tâm khai thác lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế để thúc đẩy một cách mạnh mẽ phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đưa CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, qua đó tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi các doanh nghiệp, chuyên gia cùng đồng hành để thực hiện quyết tâm trên, vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. 

Tham dự chương trình, có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương.
 
20190726-pg2-TTgsat.jpg
 
Từ ngày 25/7, Dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được khai trương.
 
Về phía lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và đại diện các doanh nghiệp là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Áo… và các doanh nghiệp lớn đang hoạt động lĩnh vực CNTT trên toàn quốc.
 
Mở đầu Chuỗi sự kiện CNTT của tỉnh là “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư CNTT và Công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế”.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Để chuyển những lợi thế so sánh thành những lợi thế cạnh tranh trong phát triển, Thừa Thiên Huế đang có những nỗ lực trong việc thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo theo hướng gắn đào tạo với thực hành, gắn trường học, chính quyền với doanh nghiệp; xem thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho CNTT là yếu tố quan trọng hàng đầu để kêu gọi đầu tư, phát triển CNTT. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng thông tin cũng đang là yếu tố tỉnh hết sức quan tâm. Hội nghị này cũng là dịp để tỉnh công bố định hướng phát triển hạ tầng CNTT, làm cơ sở cho các doanh nghiệp quan tâm có thể định hướng hoạt động của mình cho thời gian tới.
 
Việc hỗ trợ doanh nghiệp CNTT hoạt động cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Việc tỉnh đang tiến hành các thủ tục để đưa Trung tâm CNTT của tỉnh (HueCIT) gia nhập vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với chính sách hỗ trợ thủ tục một đầu mối, chính sách ưu đãi trong CNTT sẽ tạo ra những điều kiện cho doanh nghiệp CNTT có điều kiện phát triển mạnh mẽ ở Thừa Thiên Huế”.
 
20190726-pg3-TTHung.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại lễ Công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên- Huế
 
Đánh giá tình hình phát triển CNTT trong những năm qua của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định: "Một trong những địa phương tiêu biểu trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh thời gian vừa qua là tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thể nói trong một thời gian ngắn triển khai đô thị thông minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có được một số kết quả khá nổi bật, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong đó, nổi bật là việc quản lý, giám sát tập trung kết hợp việc theo dõi xử lý dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ đô thị thông minh tại 01 Trung tâm".
 
Đối với vấn đề phát triển Công nghiệp CNTT, Thừa Thiên Huế đã tạo lập được môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Việc gia nhập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung sẽ là một lợi thế rất lớn để bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, giúp cho tỉnh có cơ hội vươn ra khu vực và thế giới về sản xuất, gia công phần mềm, nghiên cứu các công nghệ mới như Big Data, AI, Blockchain...
 
Tại Hội nghị, Thừa Thiên Huế đã tổ chức Khai trương dịch vụ Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.
 
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 3010/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở TT&TT, thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về lĩnh vực CNTT và truyền thông, cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh.
 
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên-Huế sau hơn 6 tháng vận hành, bước đầu đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.
 
20190726-pg1-tc.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Hiện nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
 
Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được trao Giải thưởng Viễn thông châu Á-Telecom Asia Awards 2019 ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
 
Với những cơ hội và thách thức trước thời đại Công nghiệp 4.0, những bài toán cũng được đặt ra tại Hội nghị thông qua các tham luận: “Vì sao nên đầu tư vào thành viên Chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung tại Tỉnh Thừa Thiên Huế?”, “Tăng cường thúc đẩy sự phát triển ngành CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch Dự án Thành phố Truyền thông Thông minh” hay “Thừa Thiên Huế, điểm đến đầy triển vọng cho các nhà đầu tư CNTT”.
 
Ngoài những tác động đa chiều, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất từ cuộc cách mạng này. Làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế? Giải pháp nào để nguồn nhân lực của Thừa Thiên Huế đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đặt biệt là nguồn lực CNTT cũng đã được nêu tại tham luận “Phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng tại Thừa Thiên Huế”.
 
Nằm trong chương trình của Chuỗi sự kiện, trong các ngày tiếp theo còn có các hoạt động nổi bật khác như: Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (26/7); Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp tìm kiếm đầu tư (26/7); Lãnh đạo tỉnh gặp mặt Doanh nghiệp CNTT (18h00 ngày 26/7/2019)...  Đây là diễn đàn lớn để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác thông qua những dự án kêu gọi đầu tư và các chính sách ưu đãi đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với lĩnh vực CNTT.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top