Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng doanh nghiêp ICT hiện thực hóa khát vọng trở thành cường quốc về công nghệ

Thứ sáu, 10/05/2019 20:51

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in VietNam”. Nội hàm của “Make in VietNam” được làm rõ, đó là: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Đây là một khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 – năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Tại phiên làm việc chiều 9/5 của Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với mong muốn kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về công nghệ, có một cộng đồng đông đảo các doanh nghiệp công nghệ “Make in Vietnam”.
 
Về những kiến nghị của các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp trao đổi, trả lời các câu hỏi, đề xuất và những băn khoăn của các doanh nghiệp công nghệ Việt trước khi gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 tới.
 20190509-m03.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
 
Trước những mong muốn của một số doanh nghiệp đối với việc sớm có chính sách Sandbox, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ rõ, rất khó để có luôn một quy định, chính sách về vấn đề Sandbox. Bởi lẽ đây là một vấn đề mới, các doanh nghiệp nên thử một vài lần trước đã. “Yêu cầu có ngay một chính sách về Sandbox cũng không đúng với tinh thần đã được thảo luận tại Diễn đàn, đó là cái gì mới thì thử trước cho lộ ra các vấn đề, sau đó mới đúc kết nó sau”.
 
Phát triển doanh nghiệp công nghệ là vấn đề mới, Bộ trưởng cho rằng nên cần làm thử để thấy những ưu nhược điểm để giải quyết triệt để hơn là đưa ngay ra một giải pháp ngắn hạn. Bộ trưởng lấy ví dụ về mảng vận tải công nghệ như Grab, Nhà nước cho hoạt động thử vài năm. Đến nay đã có nhiều quy định mới đồng bộ hơn về hoạt động vận tải mới này. 
 
Lấy dẫn chứng về chủ trương dịch vụ Mobile Money, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, khi chính sách này được triển khai, áp dụng với các doanh nghiệp viễn thông thì người dân có thể nạp tiền vào tài khoản nhà mạng rồi dùng điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau hoặc chi tiêu hàng hoá có giá trị nhỏ. Bộ trưởng cho biết: “Việc này đã được Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước thống nhất, đồng thời đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thử”.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi nhất. Những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu chuyện tại Hội nghị Davos (Thụy Sĩ). Có một thành phố rất nghèo tại Thụy Sĩ, không có gì để mất, chính quyền thành phố đã nhất trí cho phép thử tất cả các sản phẩm được phát triển từ công nghệ blockchain. Kết quả là một thành phố nghèo nhất Thuỵ Sĩ, sau 3 năm rưỡi, đã trở thành nơi phát triển về Blockchain mạnh nhất thế giới.
 
Đối với những kiến nghị về việc các cơ quan nhà nước từ trung ương và địa phương cần có những chính sách mua các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ Việt. Theo Bộ trưởng, khu vực nhà nước là một hộ chi tiêu lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam còn có hơn 700.000 doanh nghiệp và gần 100 triệu người Việt Nam là khách hàng. Đối với nhà nước, vì chưa có quy định nên việc đầu tư rất khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép. Doanh nghiệp được làm những gì mà luật pháp không cấm. Khu vực doanh nghiệp luôn năng động. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều này mới tạo ra một xã hội bình thường. Người đứng đầu ngành TT&TT khuyên các doanh nghiệp công nghệ nên "tấn công" khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực người dân trước. Đến khi có những thành công rõ ràng, việc áp các giải pháp này vào khu vực nhà nước sẽ dễ hơn rất nhiều.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý với đề xuất của VCCorp về việc nên ưu tiên các doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị. Doanh thu trong lĩnh vực nội dung số đang có vấn đề do chiếm tỷ lệ quá thấp so với lĩnh vực viễn thông. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với các nước trong khu vực.
 
Bộ trưởng cho biết, lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam là ngành hoàn toàn có thể phát triển tốt, người Việt Nam đã làm được. Nhưng doanh thu nội dung số đáng lẽ phải là 4 tỷ USD thì nay chỉ mới đạt một tỷ USD.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới là tỷ lệ ăn chia cho nhà mạng nhiều hơn đơn vị sản xuất nội dung số. Ở các nước phát triển, doanh thu từ nội dung, nhà mạng hưởng 30%, công ty sản xuất nội dung 70%. Còn ở Việt Nam nhà mạng đang hưởng 60%. Nhà mạng có quyền lực để "ép" các đơn vị làm nội dung. Bộ trưởng cho rằng, Bộ đang nghiên cứu chiến lược thúc đẩy phát triển nội dung số Việt Nam. 
 
Bộ trưởng cũng đề nghị cùng với VNG, VCCorp cũng có thể đề xuất về một chiến lược phát triển nội dung số Việt Nam. Điều này sẽ giúp mang tới những góc tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Lúc này, xây dựng chính sách không còn chỉ là việc của các cơ quan quản lý nhà nước thuần tuý, mà là việc của tất cả người dân Việt Nam.
 
Trước đề xuất của các doanh nghiệp về vấn đề bình đẳng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT cũng rất trăn trở về vấn đề bảo hộ ngược, tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng thị trường còn nhiều lỗ hổng. Đơn cử như hoạt động quảng cáo đang đi theo hướng thiếu kiểm soát về nội dung. Nhiều hoạt động quảng cáo đang vi phạm quy định của Nhà nước nhưng chưa thể xử lý triệt để. Thực trạng này có phần nào trách nhiệm của những doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm đến 70% doanh thu quảng cáo trên không gian mạng nhưng lại không đóng thuế và không tuân thủ pháp luật Việt Nam như doanh nghiệp Việt. Theo người đứng đầu ngành TT&TT, bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải có tránh nhiệm giúp cho Việt Nam phát triển thịnh vượng bằng cách tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là tuyên bố của một nước có chủ quyền.
 
Bộ trưởng cũng khẳng định với các doanh nghiệp ICT, Bộ TT&TT sẽ làm đầu mối giúp đỡ tất cả các doanh nghiệp ICT khi có những vướng mắc liên quan đến môi trường pháp lý, chính sách kể cả việc liên quan đến những Bộ ngành khác. Bộ TT&TT tuyên bố sẽ bảo trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là thành phần chính trong cuộc CMCN số và cuộc CMCN 4.0.
 
Kết thúc phần chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ICT là thành phần chính trong cuộc cách mạng số tại Việt Nam, các doanh nghiệp nếu có thể chung tay với Bộ TT&TT sẽ tạo nên bước thay đổi mạnh mẽ trong tương lai./.
 
Phạm Giang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top