Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: "Xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP cần phải chú trọng đến tỉnh khả thi"

Thứ sáu, 14/04/2017 16:27

Chiều 14/4/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan của Bộ TT&TT, đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế…

Toàn cảnh cuộc họp
 
Toàn cảnh cuộc họp
 
Tại buổi họp, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT - Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP, nhận định, sau gần 10 năm triển khai, Nghị định 26/2007/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để định hướng phát triển và quản lý thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số.
 
Cho đến nay, đã có có 09 tổ chức được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2015, toàn quốc có tổng số 1.422.800 chứng thư số công cộng được cấp phát, trong đó số lượng đang hoạt động là 733.846.
 
Cũng theo ông Lã Hoàng Trung, số lượng chứng thư số công cộng được cấp và sử dụng chủ yếu để khai thuế qua mạng, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội. Cụ thể, hơn 580 nghìn tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh sử dụng chữ ký số kê khai thuế qua mạng. Gần 70 nghìn doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong khai báo hải quan. Khoảng 124 nghìn doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai bảo hiểm xã hội.
 
Về tình hình ứng dụng chữ ký số tại các Bộ, ngành, địa phương, năm 2009 mới chỉ có 2/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ ứng dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Đến năm 2015 đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ sử dụng chữ ký số. Tính đến 31/12/2015, theo khảo sát, đã có 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (86,36%) ứng dụng chữ ký số phục vụ hoạt động quản lý, nghiệp vụ trao đổi thông tin trong phạm vi nội bộ. 5/22 Bộ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng chữ ký số nhằm xác thực người dùng. Tính đến năm 2015, đã có 52/63 địa phương được cấp chữ ký số chuyên dùng.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Lã Hoàng Trung cũng chỉ ra một số bất cập trong việc triển khai Nghị định 26/2007/NĐ-CP trong bối cảnh công nghệ đang phát triển rất nhanh như hiện nay. Theo ông Lã Hoàng Trung, điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hiện nay theo quy định của Nghị định 26/2007/NĐ-CP là quá dễ dẫn đến tình trạng 9 CA công cộng cung cấp dịch vụ trong một thị trường có hơn 1 triệu người sử dụng và cạnh tranh rất gay gắt. Một bất cập khác là Nghị định 26/2007/NĐ-CP chưa quy định rõ ràng về liên thông giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị. Chính điều này gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như khai thuế qua mạng… Đồng thời, cũng chưa có quy định về liên thông giữa các CA công cộng của Việt Nam với các CA nước ngoài nên việc sử dụng chữ ký số nước ngoài ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
 
Chia sẻ tại cuộc họp, Ông Nguyễn Hữu Hùng - Cục trưởng Cục Chứng thư số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ nhất trí với ông Lã Hoàng Trung về việc 9 CA công cộng phục vụ thị trường 1 triệu người sử dụng chữ ký số là quy hoạch không hợp lý. Hàn Quốc chỉ có 6 CA công cộng phục vụ 30 triệu người sử dụng chữ ký số. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP cần rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Thương mại, Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức chính phủ. Nghị định mới cũng cần làm rõ quy mô, tính chất của các CA phục vụ hệ thống chính trị. Đối với các CA chuyên dùng nội bộ thì hướng quản lý như thế nào? Có quản lý hay không? Nếu quản lý thì ở mức độ nào. Đại diện Bộ Tài chính cũng nêu ra một vấn đề rất đáng quan tâm là giá trị pháp lý của chữ ký số. Có thay thế con dấu được không?
 
Đại diện cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, những cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số rất nhiều trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là trong giao dịch với các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những vướng mắc trong hoạt động ứng dụng chữ ký số. Ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, trong một năm có 9,4 triệu giao dịch về khai hải quan thực hiện trên môi trường điện tử, hoàn toàn dùng chữ ký số. Chưa tính đến khoảng 9 triệu giao dịch về thanh toán. Do đó, chữ ký số đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như Intel, Foxconn … lại dùng chung một chữ ký số trong toàn bộ Tập đoàn từ nước ngoài về đến Việt Nam. Ông Thành đề nghị Nghị định 26/2007/NĐ-CP mới cần có những quy định về công nhận chữ ký số nước ngoài và các hoạt động thanh kiểm tra đối với những chữ ký số nước ngoài.
 
Ông Thành chia sẻ thêm, một vướng mắc khác trong ngành Hải quan là một quyết định thuế được ban hành và sẽ phát huy hiệu lực từ một thời điểm nhất định. Việc tính thuế suất vào thời điểm quyết định thuế cũ hết hiệu lực và quyết định thuế mới được áp dụng hiện đang gây ra những tranh chấp pháp lý giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp vì đồng hồ của các CA khác nhau không trùng khớp, không có cái gọi là time stamp (giờ chuẩn mà các CA phải áp dụng). Ông Thành kiến nghị Bộ TT&TT – cơ quan quản lý các CA công cộng cần quy định đồng hồ thời gian tiêu chuẩn cho tất cả các CA công cộng, tạo điều kiện dễ dàng cho ngành Hải quan trong quá trình hoạt động.
 
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiến nghị cần có sự quy định linh hoạt về sử dụng chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng, chứ không nên quy định cứng như hiện nay, dẫn đến việc thực thi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc đóng bảo hiêm xã hội của những người hoạt động trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những góp ý, chia sẻ của các đại diện đến từ các Bộ, ngành. Thứ trưởng nhận định: Nghị định 26/2007/NĐ-CP là một Nghị định quan trọng và đặc biệt vì liên quan đến an toàn, đến sự tín nhiệm. Do đó việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP cần phải chú trọng đến tỉnh khả thi, các quy định không được gây phiền toái cho xã hội vì Nghị định này tác động đến những lĩnh vực quan trọng trong xã hội như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Thứ trưởng chỉ đạo Tổ biên tập Nghị định dựa trên các ý kiến tham gia đóng góp trong cuộc họp để xây dựng thành nhóm các vấn đề quan trọng, cần phải sửa đổi để trình lên Ban soạn thảo. Đồng thời, Trung tâm chứng thực chữ ký số cần phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Báo cáo thực hiện Nghị định 26/2007/NĐ-CP giai đoạn 2007-2017, trong đó nêu đầy đủ những thành tựu đạt được và những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết./.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top