Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Theo kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Tháng 11/2021, tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ninh Thuận thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Tỉnh xác định một số lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistic, thương mại điện tử, năng lượng, tài nguyên và môi trường… Đặc biệt, Ninh Thuận chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại bền vững, đồng thời triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế hải quan, Kho bạc, tài chính ngân hàng…
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Sau khi ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã có một chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nội dung về chuyển đổi số của địa phương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời ban hành đề án và chuyển đổi số lần đầu giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở các nội dung của đề án, Sở Thông tin và truyền thông đã tham mưu cho Ủy ban tỉnh xây dựng các đề án, dự án và tập trung triển khai các nội dung về chuyển đổi số".
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triển khai chính quyền điện tử kinh tế số và xã hội số; kết nối hệ thống tổ chức hội nghị truyền hình trực tiếp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh. Tỉnh đã công bố hơn 1400 thủ tục hành chính cấp tỉnh, trong đó có hơn 1300 thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; hơn 860 thủ tục hành chính được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Chuyển đổi số là một nhiệm vụ hết sức trọng tâm. Đây là một động lực cho sự phát triển của tỉnh. Với góc độ nhìn nhận của tôi, tại trung tâm hành chính công, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền để hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Thứ hai là đối với trung tâm hành chính công, chúng tôi vẫn bố trí cán bộ hướng dẫn người dân, để người dân chuyển đổi thói quen từ việc lập hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử. Thứ ba, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan để tuyên truyền để họ thấy được những tiện ích thuận lợi trong việc thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, người dân tham gia là một trong những nội dung góp phần trong việc chuyển đổi số của tỉnh".
Hiện, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành các chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực thương mại điện tử nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục giao thông, xây dựng tài nguyên và môi trường. Đồng thời, xây dựng lộ trình, kế hoạch giải pháp phù hợp, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số với các công ty tập đoàn lớn như Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Vietel… điều đó thể hiện quyết tâm cao của chính quyền tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số.
Ông Lê Nguyễn Lê Vi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Hoa sen Ninh Thuận, cho rằng: "Tôi cho rằng đến nay, việc chuyến đổi số của tỉnh Ninh Thuận là một quyết định quan trọng, một bước đi kịp thời có lợi cho hoạt động của tỉnh và doanh nghiệp. Tôi mong muốn rằng các doanh nghiệp hãy áp dụng ngay cho mình mô hình chuyển đổi số, để chúng ta giảm được chi phí thời gian, tài chính, cũng như là cách tiếp cận trong mọi lĩnh vực thông tin nhanh nhất. Chuyển đổi số cũng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt kịp thời trong lĩnh vực môi trường đầu tư".
Một trong những mục tiêu trọng điểm là đến năm 2025, Ninh Thuận phát triển chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (Mức độ cao nhất trong hoạt động của dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng), được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 20% GRDP. Ninh Thuận phấn đấu thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số cấp tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu đạt 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95 % không việc hồ sơ ở cấp huyện và 80 % hồ sơ công việc của cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỉnh sẽ phổ cập mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%; kinh tế số chiếm 30% GRPD… Ninh Thuận xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nhận thức và vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, cùng sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp… việc chuyển đổi số của Ninh Thuận hứa hẹn sẽ thành công.