Nhận diện các mối đe dọa “An ninh môi trường và Hòa bình ở Biển Đông”

Thứ sáu, 29/05/2020 14:21

“An ninh môi trường và Hòa bình ở Biển Đông” tưởng chừng là hai vấn đề không liên quan với nhau nhưng lại được thể hiện và bàn luận trong cùng một cuốn sách cùng tên. Nhân dịp Hội sách Việt Nam năm nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ biên cuốn sách của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

 *PV: Thưa ông, tại sao lại đặt vấn đề "An ninh môi trường và Hòa bình ở Biển Đông" trong một cuốn sách cùng tên?

*PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Tôi cho rằng, an ninh phi truyền thống là một phần không thể tách rời của an ninh quốc gia, trong đó, có an ninh môi trường biển. Cho nên, vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và ở các vùng biển nói riêng được nhiều học giả, tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm. Theo đó, Biển Đông cũng được xem là “điểm nóng” của các vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực các biển Đông Á và vùng biển Đông Nam Á. Nổi lên là vấn đề cướp biển, khủng bố trên biển, an ninh biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và nghề cá,... Riêng vấn đề an ninh môi trường biển rất ít được đề cập, trong khi vấn đề môi trường, tài nguyên biển cùng với chủ quyền biển đảo của các quốc gia ven biển nói chung đã được quy định đồng thời trong nhiều văn bản luật pháp quốc tế, khu vực và quốc gia. Ví dụ, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, trong Công ước MARPOL của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), trong Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Luật Biển Việt Nam (2012),...
 
20200529-l20.jpg
 
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ biên cuốn sách của NXB Thông tin và Truyền thông 
 
Trong bối cảnh Biển Đông có các lợi ích đan xen nhiều bên với các yêu sách về chủ quyền phức tạp, tranh chấp kéo dài, các vấn đề an ninh phi truyền thống nảy sinh như một hậu quả tất yếu, kiểu “đục nước, béo cò”. Vấn đề an ninh môi trường biển xảy ra trong Biển Đông liên quan chặt chẽ đến các hành vi ứng xử khác nhau của con người. Đặc biệt, nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền biển, đảo, Trung Quốc đã phá hủy quy mô lớn các thực thể tự nhiên ở các quần đảo ngoài khơi Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo ở hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hậu quả vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu các hành vi hủy hoại môi trường và tài nguyên biển như vậy không được ngăn chặn. Và rõ ràng, đây là hai mặt của một vấn đề trong Biển Đông cần phải giải quyết đồng bộ.
 
*PV: Những khía cạnh cốt lõi và giao thoa nhau giữa hai vấn đề quan trọng này được đặt ra trong cuốn sách là gì, thưa ông?
 
*PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Cuốn sách gồm 4 Chương, đề cập và phân tích các khía cạnh cơ bản liên quan đến vấn đề an ninh môi trường biển, bảo đảm tính dẫn xuất trong một cuốn sách. Bắt đầu bằng việc giới thiệu những đặc trưng cơ bản về Biển Đông - không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) của các nước trong khu vực, cũng như các lợi ích vốn có từ lợi thế địa lý, vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và khả năng khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong Biển Đông phục vụ lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
 
Sách chỉ ra 6 nhóm quan hệ lợi ích đan xen và chứa đựng tham vọng của các cường quyền chính trị nước lớn, đại diện là Trung Quốc và Mỹ với các chiến lược khác nhau, tạo ra một “cân bằng động” trong quan hệ nước lớn ở Biển Đông. Nổi bật là yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của họ trong phạm vi “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Tham vọng của Bắc Kinh đã đẩy Biển Đông vào tình thế căng thẳng hơn, bất ổn hơn và có yếu tố khó lường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến “vai trò trung tâm” của ASEAN trong cấu trúc khu vực, bao gồm Biển Đông.
 
20200529-l23.jpg
 
Bìa cuốn sách "An ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông"
 
Tính chất phi lý và tham vọng quá mức của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Biển Đông đã khiến các nước nhỏ khác trong khu vực kịch liệt phản đối và vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013 là một minh chứng cho những phản ứng tích cực. Cục diện tình hình Biển Đông thay đổi theo hướng mặt căng thẳng, rủi ro tiếp tục tăng, còn mặt hợp tác tiếp tục giảm.
 
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, Chương III của cuốn sách dành gần 60 trang phân tích, đánh giá về vấn đề an ninh môi trường ở Biển Đông. Theo đó, xác nhận các mối quan hệ giữa an ninh môi trường biển và an ninh quốc gia trên biển, an ninh môi trường và phát triển bền vững biển, đảo; giữa an ninh môi trường biển với những tham vọng phát triển và đòi hỏi chủ quyền của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc; giữa việc phá hủy rạn san hô để xây 7 đảo nhân tạo từ các bãi cạn xâm chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa để thực hiện tham vọng chủ quyền; giữa tranh chấp ngư trường và vấn đề an ninh sinh thái Biển Đông; các thiên tai và sự cố môi trường biển; và các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong Biển Đông.
 
Chương IV gồm 64 trang, đề cập đến xây dựng một Biển Đông xanh - một thông điệp cho hòa bình; nội dung phán quyết về môi trường của Tòa trọng tài quốc tế vụ Philippines kiện Trung Quốc; giới thiệu các thể chế hợp tác về môi trường Biển Đông hiện nay và định hướng giải pháp quản trị an ninh môi trường biển dựa trên cách tiếp cận “ngoại giao khoa học biển” vì một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
 
*PV: Trong tình hình hiện nay, ông có thể đánh giá những nguy cơ hiện hữu của hai vấn đề An ninh môi trường và Hòa bình ở Biển Đông?

*PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Lượng chất thải từ đất liền, bao gồm rác thải nhựa, chưa được kiểm soát của các quốc gia trong khu vực đổ vào biển có chiều hướng gia tăng, cùng với việc mở rộng quá đáng các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc khiến cho an ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông tiếp tục bị đe dọa, có yếu tố khó lường. Những bất ổn ở khu vực biển này tiếp tục trở thành những thách thức lớn nhất đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên và gìn giữ môi trường hòa bình ở Biển Đông.
 
Nếu điều tương tự tiếp tục lập lại ở Trung Sa và Hoàng Nham sắp tới thì hậu quả sẽ lớn gấp nhiều lần ở Trường Sa vừa qua. Theo đuổi yêu sách phi lý về đường lưỡi bò và thành phố Tứ Sa đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thừa nhận sự có mặt của một vùng biển quốc tế ngoài 200 hải lý trong Biển Đông. Điều này không chỉ gây hại trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng của Trung Quốc, mà còn chạm vào lợi ích Mỹ và đồng minh liên quan tới quyền tự do hàng hải và hàng không qua khu vực biển này.
 
Và, một lần nữa hòa bình và an ninh môi trường ở Biển Đông tiếp tục bị đe dọa.  Năm 2014 - 2016, khi xây dựng hơn 1.370 ha đảo nhân tạo từ 7 bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã phá hủy gần 160 km2 san hô ở đáy biển để lấy cát xây đảo và gây thiệt hại cho các dịch vụ hệ sinh thái rạn san hô ở đây với giá trị ước khoảng 4 tỷ USD/năm. Đồng thời, theo phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc đã phá hủy vĩnh viễn môi trường rạn san hô ở vùng biển Trường Sa.
 
*PV:  Cuốn sách sẽ mang đến những giá trị nhận biết và cách tư duy như thế nào về hai vấn đề được đề cập đến thưa ông?
 
*PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Khi đặt vấn đề viết cuốn sách này chúng tôi muốn cảnh báo về những hậu quả gây mất an ninh môi trường khu vực Biển Đông từ cách hành xử thiếu thân thiện với môi trường biển của con người, đặc biệt, từ việc thực thi các tham vọng chủ quyền biển, đảo không giới hạn của Trung Quốc. Chúng tôi cũng muốn gợi mở và giúp người đọc tiếp cận với các giải pháp giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có “ngoại giao khoa học biển” (Ocean science diplomacy). Đó là một trong những giải pháp hòa bình để bảo vệ các quyền và lợi ích của các quốc gia “nhỏ”, phù hợp với bối cảnh thực tế trong khu vực, nhưng không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tự vệ chính đáng khi tình huống xấu xảy ra.
 
Khi đề cập sự can dự của các nước lớn và vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề của Biển Đông, cuốn sách đã phân tích ý đồ “Độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc và quyết tâm bảo vệ các quyền tự do hàng hải và hàng không qua khu vực biển này của Mỹ và đồng minh. Từ đó, giúp người đọc cảm nhận dễ dàng hơn vấn đề an ninh môi trường biển ở đây phức tạp và có liên quan đến những “đánh đổi môi trường” từ những đòi hỏi chủ quyền đơn phương và tư tưởng bá quyền nước lớn.
 
20200529-l22.jpg
 
Bảo vệ vững chắc màu xanh biển đảo quê hương - Ảnh: Lê Khanh
 
Cuốn sách cũng giúp nhận diện các bước đi có tính toán lâu dài hòng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, như: Pháp lý hóa Biển Đông khi đơn phương công bố pháp lý “đường chín đoạn” ra Liên Hợp Quốc năm 2009; Hành chính hóa đường chín đoạn bằng cách tuyên bố cái gọi là TP. Tam Sa (2012) và Tứ Sa (2017) trên các thực thể san hô cần phải bảo tồn ở Biển Đông; Quân sự hóa Biển Đông (từ 2014) bằng cách củng cố căn cứ quốc phòng ở huyện đảo Hoàng Sa và xây 7 đảo nhân tạo từ các thực thể bãi cạn rạn san hô ở huyện đảo Trường Sa của Việt Nam; và đang hiện thực hóa khả năng độc quyền kiểm soát không gian đường chín đoạn vốn đã bị các nước trong khu vực và trên thế giới lên án, và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ năm 2016.
 
Độc quyền kiểm soát bằng cách giả danh các hoạt động: nghiên cứu khoa học, thăm dò dầu khí, lập đội tàu cá dân binh, mở rộng yêu sách chủ quyền đối với các bãi cạn rạn san hô lúc chìm lúc nổi... Trung Quốc muốn giành độc quyền khai thác tài nguyên trong đường chín đoạn. Kết cục, tất cả các hoạt động đó đều dẫn đến khả năng đầu độc môi trường biển, hủy hoại nguồn lợi đa dạng sinh học biển, gây thiệt hại về kinh tế, tác động về xã hội và chính trị cho tất cả các nước trong khu vực biển này, bao gồm chính Trung Quốc; đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực và và trên thế giới. Biển Đông hôm nay sẽ là biển ASEAN ngày mai! 
 
*PV: Ngoài cuốn sách này, ông có bình luận hoặc đề xuất gì để bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay và cho tương lai của biển, thưa ông?
 
*PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Trước tình hình đó, Việt Nam và các nước trong khu vực đã có những phản ứng tương xứng, mạnh mẽ và kiên định lập trường trước sau như một trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Việt Nam đã có công hàm phản đối chính thức, khẳng định các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
 
Trước mắt, toàn dân ta đang đoàn kết một lòng chống sát thủ vô hình trong đại dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và khi cần lại “chống giặc như chống dịch”. Những lúc này, chúng ta càng hiểu thêm tình người trong gian khó, tăng cường đoàn kết dân tộc, khả năng thích ứng, linh hoạt, kiên định và kiên quyết. Biến thách thức thành cơ hội để luôn trụ vững, thực hiện nghiêm túc và thành công Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần bảo đảm an ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông.
 
20200529-l21.jpg
 
Đảo Sinh Tồn - ảnh: Lê Khanh
 
Gần đây, trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố đơn phương thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận là Tây Sa và Nam Sa trực thuộc thành phố Tam Sa của tỉnh Hải Nam. Theo đó, quận Tây Sa thuộc huyện Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm cả bãi cạn Malesfield (Trung Sa) và bãi cạn Hoàng Nham nằm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines. Đây thực sự là hành vi không mới trong chuỗi kịch bản nói trên, nhưng là cuộc xâm chiếm không tiếng súng vào vùng biển chủ quyền các nước khác và vùng biển quốc tế (ngoài 200 hải lý) trong Biển Đông. Kéo theo khả năng Bắc Kinh sẽ xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Trung Sa và Hoàng Nham - nơi Mỹ tuyên bố là “lằn ranh đỏ”.
 
Dù khôn ngoan đến lắt léo để tránh sự can dự sâu của Mỹ, nhưng nếu làm như trên, Trung Quốc sẽ lại đẩy vấn đề an ninh môi trường ở Biển Đông sắp tới trở nên nghiêm trọng, hòa bình lại tiếp tục phải trả bằng những giá đắt hơn.
 
*PV:  Trân trọng cảm ơn ông!
PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top