Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn: những người làm việc trong lĩnh vực báo chí cần phải đáp ứng tốt các "tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch".
Sáng ngày 16/12/2021, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số". Diễn đàn giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp (DN) khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí truyền thông cùng nhau trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác báo chí, truyền thông hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ CĐS báo chí, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Công nghệ mang lại cơ hội và thách thức cho báo chí
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại cơ hội cũng như thách thức, làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Theo Thứ trưởng, những người làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các "tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch".
Trong thực tế, nguồn nhân lực báo chí truyền thông mà hầu hết các đơn vị sử dụng hiện nay, chủ yếu là nguồn nhân lực được đào tạo theo cách truyền thống nhưng phải "gồng mình" để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết đào tạo báo chí là một nội dung quan trọng trong kế hoạch CĐS báo chí giai đoạn 2021 – 2025. Bộ TT&TT cũng đặt trọng tâm tất cả việc "nóng" của lĩnh vực này cần phải được giải quyết trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT, việc đào tạo báo chí ngày càng được đòi hỏi phải nâng cao. Tuy nhiên có một số vấn đề như phản ánh của địa phương về chất lượng của sản phẩm báo chí, nhân lực báo chí. Do đó, cần chuẩn bị về mặt tâm thế mới cho sinh viên báo chí, hòa nhập đóng góp cho xã hội.
Đào tạo báo chí cần 3 chữ "K" và chữ "C"
Đại diện cho cơ quan báo chí lớn có nhu cầu tuyển dụng lớn, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc VOV cho biết khác với báo chí truyền thống, trong kỷ nguyên số cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi rất nhiều, do đó, báo chí phải đổi mới về tư duy làm báo, đổi mới công nghệ, đổi mới thói quen tác nghiệp, vì vậy việc đào tạo báo chí truyền thông phải thay đổi mạnh mẽ.
Theo đó, ông Vũ Hải Quang cho rằng công tác đào tạo báo chí hiện nay cần 3 chữ "K" bao gồm kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật - công nghệ. "Nếu hội tụ đủ 3 chữ K một cách chuẩn chỉ thì học viên tốt nghiệp ra làm nghề sẽ "vững như kiềng 3 chân"".
Phó Tổng giám đốc VOV cũng cho rằng hiện nay các cơ quan báo chí không thể không đưa các ứng dụng IoT, dữ liệu lớn, AI, điện toán đám mây vào việc quản trị, sản xuất tin bài và phân phối nội dung; các công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường cho việc sản xuất nội dung giải trí hoặc mô phỏng nhân vật, sự kiện.
"Hiện nay công nghệ hoàn toàn có thể hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên đa nền tảng. Ngoài ra, do thường xuyên tác nghiệp trên không gian mạng nên nhà báo còn phải biết cả những giải pháp đảm bảo an ninh mạng, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và tấn công mạng. Do vậy, các cơ quan báo chí hiện nay phải đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực làm báo không chỉ có tư duy tốt về nội dung mà còn giỏi về kỹ thuật công nghệ", ông Vũ Hải Quang chia sẻ.
Ông Đặng Xuân Phương, Uỷ ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cho biết thời gian gần đây CĐS, kinh tế - xã hội số là chủ đề được quan tâm và báo chí không đứng ngoài cuộc. Nhà báo ngoài 3 chữ "K" cần thêm chữ "C" là cảm xúc. Người làm báo hiện phải có tâm hồn thi ca để dấn thân, trải nghiệm qua cuộc sống… "Tâm hồn đẹp thì bao giờ cũng hướng tới chân thiện mỹ".
TS. Nguyễn Minh Phong, biên tập viên cao cấp Báo Nhân dân cho rằng: "Bản lĩnh của nhà báo không phải tự nhiên mà có, mà nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút".
Nỗ lực của cơ sở đào tạo báo chí là chưa đủ
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện báo chí và Tuyên truyền cho biết cơ sở đào tạo báo chí này đã rất nỗ lực trong những năm qua trong việc đào tạo báo chí gắn với thực tiễn. Nhà trường mô phỏng các tòa soạn thực tế cho công tác giảng dạy, mời các nhà báo giảng dạy và liên hệ để các sinh viên đi thực tập tại các cơ quan báo chí, tổ chức nhiều câu lạc bộ nghiệp vụ, giải báo chí và nhiều sinh viên đã đạt giải.
Tuy nhiên, bà Giang cũng cho biết quá trình đào tạo của Học viên và các cơ sở đào tạo nói chung dường như đang ở tư thế tự thân vận động, mong Bộ TT&TT, Hội nhà báo Việt Nam có gợi mở để kết nối chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo báo chí và các cơ quan báo chí nhằm hiểu nhu cầu đầu ra của báo chí.
Cơ quan báo chí, người làm báo phải chuyển mình
Đại diện cho tờ báo điện tử lớn của Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamNet thuộc Bộ TT&TT, cho biết báo chí đang giảm doanh thu khi phải cạnh tranh các nền tảng xuyên biên giới, theo đó chính cơ quan báo chí phải chuyển mình và các nhà báo phải đổi mới để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Việc này đòi hỏi các nhà báo phải tự đổi mới trở thành nhà báo kỹ thuật số, nắm bắt công nghệ số dựa trên nền tảng kiến thức chuyên sâu.
Tổng Biên tập VietNamNet cũng cho rằng việc đào tạo nhà báo, hay các nhà báo trẻ phải trang bị nhiều kỹ năng mới. Việc trang bị kiến thức AI, e-magazine, áp dụng thực tế tăng cường không khó vì các công nghệ này có sẵn, nhưng khó khăn là khả năng xử lý dữ liệu. Việc phân tích của máy khác với phân tích của con người bởi con người có cảm xúc, ý tưởng mới trong đó.
Cũng nói về lợi thế của người làm báo, ông Phạm Anh Tuấn cho biết nhà báo đòi hỏi sự dấn thân, dũng cảm... Mạng xã hội càng phát triển mạnh mẽ thì người đọc lại càng có xu hướng xem thông tin chính thống nên báo chí vẫn phải giữ gốc báo chí. Đào tạo không gì tốt hơn là đào tạo báo chí tại chỗ (onjob).
Bà Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh CĐS là đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành báo chí truyền thông, những nhà báo có khả năng phân tích dữ liệu, biết kiểm soát chặt chẽ đầu vào số liệu, có kỹ năng CNTT-TT để sáng tạo những tác phẩm báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, có khả năng truyền tải trên đa nền tảng thiết bị để phục vụ đa mục đích, nhu cầu của công chúng - đặc biệt, công chúng thế hệ số.
Là DN công nghệ số tham dự Diễn đàn, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav cho biết hiện chúng ta bước vào kỷ nguyên số, công việc của phóng viên và của tất cả mọi người giờ đây đều gắn với công nghệ số. Theo CEO Bkav, hiện nay công nghệ là nội dung chủ chốt trong các hoạt động của các tòa soạn và khoa học công nghệ là nền tảng để đất nước phát triển và DN này sẵn sàng hỗ trợ các nhà báo về các thông tin về công nghệ.
Đến từ đơn vị đào tạo mạnh về công nghệ, TS. Lê Vũ Điệp, Học viện Công nghệ BCVT cho biết trên thế giới các trường đào tạo nhân lực báo chí theo hướng nhà báo đa năng (all in one) - nhân lực được trang bị đa kỹ năng tác nghiệp, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc. Đây là sự thay đổi về chuẩn đầu ra quan trọng mà các đơn vị đào tạo báo chí truyền thông thế giới đang hướng đến.
"Nghiên cứu khung chương trình đào tạo của một số trường đại học nước ngoài cho thấy đào tạo báo chí truyền thông theo xu hướng công nghệ đang được các trường chú trọng", TS. Lê Vũ Điệp cho biết.
Cũng theo TS. Lê Vũ Điệp, dù công nghệ ảnh hưởng tới báo chí theo khía cạnh nào thì thực tiễn phát triển cho thấy việc sản xuất sản phẩm nội dung báo chí truyền thông trong thời đại Internet vạn vật cần sự hỗ trợ của các yếu tố công nghệ, và người tạo ra nội dung phải có nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng thực hành về công nghệ.
CĐS báo chí là chuyển đổi tư duy, vận hành
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh mục đích cao nhất của báo chí là phụng sự. Trong tiến trình, CĐS không chỉ lắp đặt máy móc, công nghệ, CĐS là tư duy vận hành, đi từ lãnh đạo xuống.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh: CĐS không chỉ lắp đặt máy móc, công nghệ, CĐS là tư duy vận hành, đi từ lãnh đạo xuống.
Hiện nay trên thế giới có một xu hướng một số tờ báo đầu tư công nghệ để trở thành media tech như Washington Post, New York Times. Bên cạnh đó, là tập đoàn công nghệ đầu tư vào báo chí là tech media và các công ty công nghệ này lấn sân và làm rất tốt. Thế giới cũng đang tiến tới các công nghệ thực tế hỗn hợp (mixed reality), thực tế mở rộng và đang bàn đến metaverse, một thế giới ảo sẽ là thay đổi cách đọc báo nữa… Theo đó, các cơ quan báo chí đã chuẩn bị cho tương lai đó chưa.
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cũng cho biết các cơ quan báo chí trên thế giới cứ 8 - 10 phóng viên phải có một người làm công nghệ nhưng nhân viên công nghệ phải là người biết lập trình. Bên cạnh đó, có những báo còn có nhân viên phân tích công nghệ.
Cũng theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, làm báo chí liên quan đến thực hành rất nhiều. Người làm báo kỳ cựu 20 năm vẫn có thể vấp váp nên làm nhà báo là phải trải nghiệm rất nhiều, viết hàng vạn bài mới được biết đến.
Việc đào tạo báo chí với sự kết hợp của trường báo và trường công nghệ là một hướng hay, nhưng cũng cần các bài giảng về đạo đức báo chí. Khi tuyển dụng một sinh viên báo chí vào làm việc, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cũng cho biết có xu hướng tuyển một nhân sự có kiến thức về ngành nào đó, rồi vào đào tạo báo chí thay vì tuyển một sinh viên báo chí. Việc tuyển dụng người làm báo hiện nay không chỉ viết hay, quay video, làm media, chụp ảnh đẹp bởi báo chí trong 2 - 3 năm tới sẽ rất khác.
Toàn cảnh diễn đàn
Ông Lê Quốc Minh cho rằng đừng nên lao theo công nghệ hào nhoáng nhưng không hiệu quả, báo chí phải đến với nhiều công chúng nên cần nắm bắt những công nghệ giúp truyền đạt thông tin tốt nhất. Đặc biệt, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh nhấn mạnh làm báo thời nào cũng cần phải chuyên nghiệp, đặt phụng sự độc giả lên hàng đầu và có trách nhiệm với xã hội.