Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Luật Xuất bản năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đến nay 37 điều, khoản liên quan đến quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung. Căn cứ các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định, Bộ TT&TT đã ban hành 5 Thông tư để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và Nghị định.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Các nhà xuất bản (NXB) phải chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cơ quan chủ quản, để tới đây qua khảo sát thực tiễn, những vấn đề cấp bách trong hoạt động xuất bản, in và phát hành được đề xuất Bộ TT&TT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung sớm nhất các quy định. Đồng thời, những vấn đề đưa vào Luật chưa đáp ứng thì sẽ đưa vào nghị định để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Sau 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế...
Cụ thể, về các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, đại diện Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh nêu rõ những bất cập tại các điều như: Điều 32 đối với hoạt động in xuất bản phẩm, Điều 36 đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm, khoản 5, 6, 7 của Điều 41 đối với hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh…
Cùng ý kiến về những bất cập trong TTHC, đại diện Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu để đề xuất sửa đổi hoặc có hướng dẫn cho phù hợp với tình hình hiện nay của các lĩnh vực như: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu.
Về thủ tục đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản, đại diện NXB Tổng hợp Đà Nẵng đề xuất nên có mục "điều chỉnh", chỉ cần gửi thêm bản bổ sung các yếu tố thay đổi trong phiếu đăng ký xuất bản mà không nên đăng ký đề tài mới. Theo đó, việc đăng ký xuất bản phẩm tránh việc lặp lại và tiết kiệm thời gian, tiết kiệm kho số của mã ISBN, giúp tiến độ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, nhất là những xuất bản phẩm có tính kinh doanh được nhanh chóng.
Trong khi đó, đại diện NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là những quy định như: thời gian chờ xác nhận đăng ký xuất bản, xác nhận lưu chiểu tương đối dài, việc cấp mã ISBN… ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của NXB cũng như của các đối tác liên kết.
Một số những quy định khác chưa thực sự sát hợp với thực tế, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến chứng chỉ hành nghề biên tập, các quy định chặt chẽ về hình thức sách nhà nước đặt hàng… gây không ít lúng túng cho các đơn vị thực hiện.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có xuất bản, theo đó, đòi hỏi lĩnh vực xuất bản cần có sự đổi mới cho phù hợp. Lĩnh vực cần dỡ bỏ dần những rào cản, "nút thắt" để có thể vượt qua thách thức, tận dụng các cơ hội, tạo điều kiện cho lĩnh vực phát triển.
Để làm điều này, ngoài sự nỗ lực tự thân của các đơn vị xuất bản thì yếu tố "then chốt" là ngành Xuất bản cần được tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng trong điều kiện vẫn đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
"Điều quan trọng là luật Xuất bản cần được tiếp tục chỉnh sửa trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và đi vào phục vụ hiệu quả thực tiễn. Có như vậy lĩnh vực Xuất bản mới có những bước đà cần thiết để thực sự phát triển đúng tầm trong xu thế hội nhập toàn cầu mang tính tất yếu hiện nay", đại diện NXB tổng hợp TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.