Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 01/12/2023

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TRONG LĨNH VỰC VT

Công tác quản lý chất lượng trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin

10/07/2009 11:00 SA Xem cỡ chữ

I. Tình hình thực hiện Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa (năm 1999)

I.1. Ban hành văn bản quản lý

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ liên quan, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã triển khai ban hành các văn bản quản lý về chất lượng:

- Các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Quy định về chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông; Danh mục vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn; Quy định về tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông; Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn.

Ngày 3/11/2006, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành các Quyết định số 44/2006/QĐ-BBCVT, 45/2006/QĐ-BBCVT và 46/2006/QĐ-BBCVT với các quy định mới trong hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

- Các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ: Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, mạng và dịch vụ viễn thông và Danh mục dịch vụ bưu chính, mạng và dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng.

Ngày 6/9/2006, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành các Quyết định số 33/2006/QĐ-BBCVT và 34/2006/QĐ-BBCVT với các quy định mới trong hoạt động quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông.

- Các quy định về kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông:

Ngày 6/9/2006, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành các Quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT và 32/2006/QĐ-BBCVT quy định cụ thể về công tác quản lý chất lượng và kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông. Các văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2007.

- Các quy định về điều hành xuất nhập khẩu, ghi nhãn hàng hóa: Các thông tư hướng dẫn về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông; thông tư hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa đối với thiết bị đầu cuối thuê bao.

Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Thông tư số 02/2006/TT-BBCVT ngày 24/04/2006 hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính đối với hàng hoá thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông và Quyết định số 20/2006/QĐ-BBCVT ngày30/6/2006 ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

- Các quy định về đo kiểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Quy định về chỉ định các Phòng đo kiểm thiết bị viễn thông; Quy định về thừa nhận các Phòng đo kiểm đã được các bên tham gia thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá hợp chuẩn với Việt Nam chỉ định; các Quyết định chỉ định phòng đo kiểm thiết bị viễn thông.

- Về công tác tiêu chuẩn hóa, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Quy định về việc xây dựng, ban hành và công bố tiêu chuẩn trong ngành Bưu điện (năm 2001). Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành 75 tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng, 1 quy định kỹ thuật và 110 tiêu chuẩn ngành tự nguyện áp dụng (không kể các tiêu chuẩn ngành ban hành trước năm 1994), đã công bố bắt buộc áp dụng 1 Tiêu chuẩn Việt Nam. Các tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng đã ban hành cho các đối tượng: thiết bị viễn thông hữu tuyến, thiết bị thu phát vô tuyến điện, thiết bị kết nối mạng, chất lượng dịch vụ viễn thông, công trình viễn thông.

Về cơ bản, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và các văn bản của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ Bưu chính, Viễn thông cũng đã tích cực tham gia góp ý các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa, như Nghị định 179/2004/NĐ-CP, các văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn triển khai Nghị định, các văn bản mới như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

I.2. Tổ chức thực hiện

a) Các chủ thể tham gia quản lý nhà nước về chất lượng:

- Cơ quan quản lý chuyên ngành: Bộ Bưu chính, Viễn thông, ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan thực thi, thanh tra chất lượng.

- Cơ quan thực thi quản lý chất lượng: Cục Quản lý chất lượng BCVT&CNTT thực hiện chứng nhận hợp chuẩn thiết bị, quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trong phạm vi cả nước.

- Cơ quan phối hợp thực thi quản lý chất lượng ở địa phương: Các Sở BCVT phối hợp với Cục QLCL BCVT&CNTT về kiểm tra, giám sát chất lượng tại địa phương.

- Cơ quan thanh tra: Thanh tra Bộ BCVT, Thanh tra Cục QLCL BCVT&CNTT và các Sở BCVT tham gia các đoàn kiểm tra của Cục QLCL BCVT&CNTT về chất lượng hàng hoá chứng nhận hợp chuẩn và về chất lượng dịch vụ; tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về chất lượng; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại giữa doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.

- Các Phòng thử nghiệm được chỉ định: Bộ Bưu chính, Viễn thông đã chính thức chỉ định 3 Phòng thử nghiệm đo kiểm thiết bị viễn thông: Phòng thử nghiệm chất lượng BCVT của Cục QLCL BCVT&CNTT (VILAS 103), Phòng thử nghiệm Chi cục Quản lý chất lượng Khu vực 2 (VILAS 197) và Phòng thử nghiệm Quốc gia Tin học – BCVT của Viện KHKT Bưu điện (VILAS 007). Hiện nay Bộ BCVT vẫn đang tiếp tục xem xét, chỉ định thêm phòng đo kiểm phục vụ công tác đo kiểm đánh giá hợp chuẩn sản phẩm, hàng hóa; kiểm định công trình viễn thông và đánh giá chất lượng dịch vụ.

b) Các đối tượng quản lý chất lượng:

Đối tượng quản lý chất lượng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tương đối đa dạng, phức tạp:

- Sản phẩm, hàng hóa: thiết bị viễn thông (hữu tuyến, vô tuyến, kể cả thiết bị thu phát sóng phát thanh truyền hình quảng bá), công trình viễn thông, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin (phần cứng và phần mềm);

- Dịch vụ: dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin.

c) Các mục tiêu quản lý chất lượng:

Các mục tiêu quản lý chất lượng được thể hiện qua các yêu cầu kỹ thuật trong các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng (quy chuẩn kỹ thuật), bao gồm:

- Các yêu cầu về an toàn (an toàn điện, EMC, bức xạ, tiếp đất, chống sét, an toàn thông tin…) áp dụng cho thiết bị viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin; công trình viễn thông.

- Các yêu cầu về tương thích của thiết bị với mạng lưới: áp dụng cho thiết bị đầu cuối viễn thông kết nối vào mạng viễn thông công cộng, thiết bị kết nối mạng giữa các doanh nghiệp.

- Các yêu cầu về sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện: áp dụng cho thiết bị thu phát vô tuyến.

- Các yêu cầu về tính đầy đủ, tính chính xác về chức năng, tính mở của sản phẩm phần mềm, yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin, tính thống nhất dữ liệu..: áp dụng cho sản phẩm phần mềm, thông điệp dữ liệu.

- Các yêu cầu về chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: áp dụng cho dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin.

d) Các hình thức quản lý chất lượng:

- Chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm, hàng hoá,

- Đăng ký chất lượng, kiểm tra chất lương dịch vụ,

- Kiểm định chất lượng công trình viễn thông.

Quản lý chất lượng dịch vụ và kiểm định chất lượng công trình viễn thông về cơ bản như quản lý chất lượng thiết bị theo Pháp lệnh chất lượng hàng hoá 1999 (ban hành các danh mục dịch vụ, công trình phải quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, đồng thời cũng yêu cầu thực hiện công bố chất lượng và tự đảm bảo chất lượng đối với dịch vụ, công trình nằm ngoài danh mục).

I.3. Đánh giá kết quả thực thi quản lý chất lượng

- Hệ thống tiêu chuẩn ngành là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng. Trong lĩnh vực viễn thông, các cơ sở pháp lý (Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh này) đã rõ ràng, do đó Bộ BCVT cũng đã xác định rõ các mục tiêu quản lý chất lượng, đã ban hành kịp thời các tiêu chuẩn ngành cho các mục tiêu quản lý này. Đối với Lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, đây là những lĩnh vực mới của Bộ BCVT mà cơ sở pháp lý vừa hình thành nên Bộ BCVT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện về tiêu chuẩn, về chính sách quản lý chất lượng trong thời gian tới.

- Các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tự nguyện áp dụng do Bộ ban hành đã đáp ứng cơ bản nhu cầu quản lý nhà nước về chất lượng của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Các tiêu chuẩn này đã được các nhà sản xuất, các doanh nghiệp thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ, áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng thiết bị, công trình, dịch vụ.

- Hoạt động chứng nhận hợp chuẩn đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc đưa vào thị trường trong nước và kết nối vào mạng viễn thông công cộng các vật tư, thiết bị có công nghệ không phù hợp, kém chất lượng, góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn mạng viễn thông quốc gia; bảo đảm an toàn và quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

- Thông qua các hoạt động đăng ký chất lượng và kiểm tra chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp đã tăng cường ý thức về tầm quan trọng của quản lý chất lượng và chủ động tiến hành các biện pháp giám sát, đảm bảo và nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ viễn thông, Internet và coi đây là một trong những biện pháp cạnh tranh thu hút khách hàng. Người sử dụng dịch vụ đã có cơ sở để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt.

- Một số lĩnh vực quản lý chất lượng khác đã được triển khai, như quản lý về truyền dẫn phát sóng thông qua hình thức chứng nhận hợp chuẩn thiết bị thu phát sóng vô tuyến quảng bá; quản lý chất lượng công trình viễn thông thông qua các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng (về an toàn điện, an toàn bức xạ, tiếp đất, chống sét…) đối với công trình.

II. Chiến lược, chính sách phát triển chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập KTQT

- Hoàn thiện các quy định quản lý về chất lượng phù hợp với yêu cầu hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng được nhu cầu quản lý chuyên ngành: tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử, minh bạch hóa, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.

- Tiếp tục thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa: Tiêu chuẩn hóa là hoạt động cơ bản quan trọng nhất và tạo sở cứ về kỹ thuật cho công tác quản lý chất lượng. Các quy chuẩn kỹ thuật cần phù hợp với định hướng quản lý với những tiêu chí chất lượng thiết yếu, mức chỉ tiêu tối thiểu, độc lập với công nghệ.

- Chú trọng gắn vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý, đảm bảo và nâng cao chất lượng chất lượng hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho khách hàng và thể chế hoá vấn đề này trong các văn bản quản lý. Các chính sách như công bố chất lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ vẫn phù hợp với thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế và cần được tiếp tục thúc đẩy.

- Công tác đo kiểm đánh giá phù hợp, đo kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ cần được đẩy mạnh. Tăng cường thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm đánh giá phù hợp để giải quyết những hạn chế về năng lực đo kiểm trong nước. Công tác đo kiểm cần được xã hội hóa mạnh. Các phòng thử nghiệm đáp ứng các chuẩn quốc tế được khuyến khích chỉ định phục vụ đo kiểm đánh giá phù hợp trong nước và quốc tế.

- Tích cực công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp ý thức được chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong bối cảnh hội nhập. Tăng cường thông tin, phổ biến về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các nước khu vực và thế giới để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng và thâm nhập thị trường quốc tế.

- Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc chủ động, tích cực tham gia công tác tiêu chuẩn hóa, tham gia các diễn đàn về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng khu vực và quốc tế. Xem xét và tham gia các hiệp định về quy chế quản lý chất lượng hài hoà trong khuôn khổ các tổ chức kinh tế khu vực, quốc tế để học tập kinh nghiệm quản lý và có các định hướng quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm thiểu các rào cản thương mại.

III. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

- Bộ Bưu chính, Viễn thông luôn chú trọng đầu tư tăng cường tiềm lực về đo kiểm viễn thông, triển khai tăng cường tiềm lực cho Cục Quản lý chất lượng BCVT&CNTT để thực hiện đo kiểm chứng nhận hợp chuẩn thiết bị viễn thông và đo kiểm chất lượng dịch vụ, cũng như tham gia các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá hợp chuẩn thiết bị viễn thông.

- Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Hàng năm Bộ Bưu chính, Viễn thông giao các đơn vị tham mưu, đơn vị thực thi quản lý chất lượng thực hiện các đề tài khoa học quản lý, nhằm nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, trong nước, thực tiễn nhu cầu quản lý chuyên ngành để có các định hướng chính sách, xây dựng văn bản quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành phù hợp. Một số đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng, phục vụ trực tiếp cho công tác đánh giá hợp chuẩn thiết bị, đánh giá chất lượng dịch vụ.

IV. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

- Bộ Bưu chính, Viễn thông đã thường xuyên cử cán bộ nghiên cứu, tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), Liên minh viễn thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APT); đóng góp nội dung, tham gia các hội nghị, hội thảo về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính; chất lượng thiết bị, dịch vụ, công trình viễn thông.

- Bộ Bưu chính, Viễn thông đã nghiên cứu, đề xuất lộ trình tham gia Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá hợp chuẩn thiết bị viễn thông (TEL MRA) trong các tổ chức kinh tế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm: APEC và ASEAN, với mục tiêu là tham gia Pha 1 (thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo kiểm của các phòng thử nghiệm). Việt Nam đã chính thức công bố tham gia Pha 1 APEC TEL MRA vào tháng 9/2005 và Pha 1 ATRC MRA vào tháng 1/2006.

- Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu vô tuyến - Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực quản lý chất lượng thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, qua đó đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm quản lý, giúp đào tạo cán bộ thực thi quản lý. Trên cơ sở công bố chính thức tham gia APEC TEL MRA và ATRC MRA, Bộ Bưu chính, Viễn thông đang tích cực triển khai thoả thuận thừa nhận lẫn nhau song phương trong lĩnh vực viễn thông với phía Hàn Quốc. Hiện nay hai bên đang trao đổi thư, giới thiệu về danh sách Phòng thử nghiệm được chỉ định cho công tác đo kiểm đánh giá hợp chuẩn.

 

KHCN

Lượt truy cập: 6553

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)