Ngư dân bốc dỡ hải sản sau một chuyến đi biển tại cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: ĐÌNH CHÂU
Lao đao nghề biển
Đến nay, 11 tỉnh trong khu vực có hơn 51.700 tàu, thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 13.000 tàu đánh bắt xa bờ, với sản lượng năm 2020 ước đạt hơn 820.000 tấn, chiếm gần 40% tổng sản lượng đánh bắt hải sản cả nước, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Đây cũng là ngành kinh tế tạo công ăn việc làm cho khoảng 300.000 ngư dân và gần nửa triệu lao động liên quan như thu mua, chế biến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật..., góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Trong nhiều năm liền, thủy sản hải sản là ngành kinh tế có giá trị đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu khu vực với giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Trong hai năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành kinh tế quan trọng này. Cuối tháng 7/2021, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) trở thành ổ dịch lớn với hàng trăm ca nhiễm. Ngày 26-7 Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định tạm đóng cửa cảng cá và âu thuyền tránh bão Thọ Quang trong vòng 7 ngày để chống dịch, nhưng việc đóng cửa cảng cá đã phải kéo dài hơn 2 tháng, đến ngày 30-9 cảng Thọ Quang mới bắt đầu trở lại hoạt động. Cũng trong tháng 7, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận ổ dịch lớn ở thị xã Đức Phổ, cảng cá Sa Huỳnh nằm giữa phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu cũng đóng cửa gần 3 tháng, hàng trăm tàu cá buộc phải nằm bờ. Cũng giống như Thọ Quang, Sa Huỳnh, từ tháng 6 đến nay, hàng loạt cảng cá ở miền trung buộc phải đóng cửa do dịch bệnh lây lan, như cảng Nhật Lệ (Quảng Bình); Thuận An (Thừa Thiên Huế); Tịnh Hòa (Quảng Ngãi), Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn (Bình Định); Phú Lạc, Đông Tác, Tiên Châu, Dân Phước (Phú Yên); Đại Lãnh, Ninh Hải, Vĩnh Lương, Đá Bạc (Khánh Hòa); Hòn Rớ, Ninh Chữ, Đông Hải (Ninh Thuận); Phan Rí, Phan Thiết, La Gi, Phú Quý (Bình Thuận)…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình Lê Ngọc Linh cho biết: “Chúng tôi thành lập 6 tổ kiểm soát Covid-19 tại các cửa biển, cửa lạch với sự tham gia của bộ đội biên phòng, nhân viên y tế, đại diện chính quyền địa phương… để kiểm soát tàu thuyền ra, vào. Đối với tàu cá của các địa phương cấp độ 1 và 2 thì chỉ khai báo y tế, từ cấp độ 3 thì phải đo thân nhiệt, vùng 4 thì còn phải thực hiện xét nghiệm nhanh mới được vào cảng cá hoặc khu neo đậu.
Ngư dân bốc dỡ hải sản sau một chuyến đi biển tại cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: ĐÌNH CHÂU
Hiện nay, tất cả các cảng cá ở ven biển miền trung đều suy giảm công suất, các doanh nghiệp thu mua, chế biến gặp khó khăn trong thời gian “3 tại chỗ”, vì thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu cũng suy giảm vì lượng tàu đến, đi chuyên chở hàng xuất khẩu giảm mạnh. Hàng chục nghìn tàu cá phải nằm bờ vì cảng bị phong tỏa, dẫn đến thiếu lao động, giá nhiên liệu, vật tư, lương thực thực phẩm tăng, nhưng giá bán hải sản lại giảm mạnh. Ông Bạch Lòng, ngư dân phường Bình Tân, thị xã La Gi (Bình Thuận) có 6 tàu cá đánh bắt xa bờ chia sẻ: Việc phong tỏa cảng La Gi khiến hơn 1.000 tàu cá nằm bờ, mưa lớn, thủy triều, nước ngấm vào vỏ gỗ, va đập, đứt neo... làm 98 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Việc tàu cá nằm bờ dẫn đến nhiều hệ lụy, đời sống của ngư dân, của chủ tàu, tiểu thương và doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản, cung ứng xăng dầu, đá, muối, lương thực thực phẩm, trang thiết bị đi biển… đều khó khăn. Riêng các chủ tàu có vay vốn ngân hàng lại càng khó khăn hơn vì không có nguồn thu để trả tiền gốc và lãi ngân hàng. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết: Việc tạm dừng cảng cá Thọ Quang ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của 3.082 ngư dân Đà Nẵng và hàng nghìn ngư dân các địa phương lân cận, hơn 1.000 tiểu thương buôn bán cá tại các chợ và khoảng 8.000 công nhân đang làm việc trong các nhà máy chế biến hải sản thuộc Khu công nghiệp Thọ Quang. Cảng cá dừng hoạt động làm đứt gãy chuỗi đánh bắt-thu mua-cung ứng dịch vụ, chế biến, xuất khẩu của ngành kinh tế mũi nhọn.
Nỗ lực khôi phục và phát triển bền vững nghề biển
Để sớm nối lại chuỗi sản xuất đang đứt gãy do dịch bệnh, các địa phương có cảng cá đã xây dựng phương án ứng phó, ngăn chặn và dập dịch. Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là xét nghiệm để phát hiện, truy vết, cách ly các ca nhiễm mới, triển khai tiêm vắc-xin cho ngư dân. Các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tổ chức kiểm soát chặt chẽ số lượng ngư dân, tiểu thương, nhân viên thu mua... khi ra vào cảng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, Sở đã xây dựng kịch bản thúc đẩy, phục hồi phát triển nghề biển đến năm 2023 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quảng Ngãi cũng tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa và phát triển thủy sản.
Đồng quan điểm, ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng tỉnh Phú Yên chia sẻ: Phú Yên đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng đáp ứng với 5 tình huống dịch bệnh ở cảng cá, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm “mục tiêu kép”, giảm đáng kể thiệt hại của ngư dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy, hải sản. Tất cả các địa phương đều ưu tiên tiêm vắc-xin cho ngư dân, triển khai chặt chẽ việc quản lý tàu thuyền, quản lý ngư dân, tiểu thương, nhân viên dịch vụ nghề cá... bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, quét mã khai báo y tế và lưu vết ra vào cảng, lên tàu, định vị liên tục khi ra khơi, về cảng khác, yêu cầu chủ tàu, ngư dân không để người lạ lên tàu, hạn chế việc tiếp xúc tại cảng lẫn trên biển. Đến cuối tháng 10, tất cả các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở miền trung đều trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra khơi, về bến, tránh trú bão.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, tỉnh hiện có gần 6.000 tàu đánh cá, trong đó 3.239 tàu đánh bắt xa bờ, đứng thứ hai cả nước sau Kiên Giang. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng: Các cảng cá ở Quảng Trị cũng như các tỉnh lân cận chưa đáp ứng được yêu cầu về luồng lạch, chiều dài cầu cảng, khu neo đậu, thiết bị bốc dỡ, xử lý nước thải, điện, nước, phòng, chống cháy nổ... Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí 400 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy nghề biển Quảng Trị nói riêng, miền trung nói chung.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận Đặng Văn Tín, việc triển khai sớm, hiệu quả Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là điểm tựa vững chắc cho ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản phát triển nhanh và bền vững. Nhà nước cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, tiếp tục hỗ trợ ngư dân vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua thiết bị, ngư cụ, chú trọng hỗ trợ đội tàu khai thác xa bờ, sớm triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu khôi phục sản xuất sau dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời giúp ngư dân giữ vững nghề biển, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên vùng biển và hải đảo của đất nước.