Xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm

(Mic.gov.vn) - Trích Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về việc Xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm

 

  • Quan điểm

     

     


    I.Quan điểm

    Công nghiệp phần mềm là một ngành kinh tế mới, có giá trị gia tăng cao, có nhiều triển vọng. Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này.

    Nhà nước khuyến khích và ưu đãi tối đa việc phát triển công nghiệp phần mềm. Bước đầu, chú trọng hình thức xuất khẩu qua gia công và cung cấp dịch vụ cho các công ty nước ngoài. Đồng thời, mở rộng thị trường trong nước, trước mắt tập trung phát triển phần mềm trong một số lĩnh vực sớm đem lại hiệu quả  kinh tế - xã hội, thay thế các sản phẩm phần mềm nhập khẩu. Nhanh chóng tổ chức xuất khẩu lao động phần mềm và phần mềm đóng gói để công nghiệp phần mềm của Việt Nam từng bước đạt được vị thế trên thị trường thế giới.

    Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo và sản xuất làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực này.

     

    Về đầu


    II. Mục tiêu xây dựng và phát triển

    Xây dựng công nghiệp phần mềm thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần hiện đại hoá và phát triển bền vững các ngành kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh quốc gia.

    Phát huy tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt là của thế hệ trẻ, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho những thập kỷ tới.

    Phấn đấu đến năm 2005 đạt giá trị sản lượng khoảng 500 triệu USD

     

    Về đầu


     III. Nội dung và biện pháp xây dựng và phát triển

    1. Đào tạo nguồn nhân lực.

    Phát huy mọi hình thức đào tạo, đào tạo lại, huấn luyện và bồi dưỡng để đến năm 2005 có khoảng 25.000 chuyên gia trình độ cao và lập trình viên chuyên nghiệp, thông thạo tiếng Anh.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nhanh nguồn nhân lực này. Tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ phần mềm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đẩy mạnh việc sử dụng rộng rãi Internet trong các trường đại học và từng bước trong các trường phổ thông nhằm phục vụ tốt cho việc đào tạo.

    Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng dưới hình thức doanh nghiệp dịch vụ phần mềm và các hình thức khác. Đặc biệt chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho số sinh viên, học sinh đã tốt nghiệp các ngành khác được tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng về công nghệ thông tin để có thể tham gia phát triển công nghiệp phần mềm.

    2. Thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi.

    Công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp được đặc biệt khuyến khích đầu tư. Nhà nước áp dụng mức ưu đãi hiện hành cao nhất cho các doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm. Sản phẩm và dịch vụ phần mềm được sản xuất và cung cấp trong nước không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; nếu xuất khẩu thì được áp dụng thuế suất 0% và được hoàn thuế theo quy định của pháp luật; áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhà nước có chính sách tài trợ lại cho doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm, tối đa bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển. áp dụng chế độ ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho người lao động chuyên nghiệp trực tiếp tham gia phát triển công nghiệp phần mềm. Các doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm được hưởng chế độ ưu đãi cao nhất về tín dụng và ưu đãi trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan thành lập và ban hành quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ phần mềm.

    Nghiên cứu thiết lập tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (thành phố Hồ Chí Minh) cổng kết nối trực tiếp với hệ thống Internet quốc tế để các doanh nghiệp phần mềm có thể sử dụng đầy đủ và dễ dàng các dịch vụ Internet có chất lượng cao, theo giá cạnh tranh với các nước trong khu vực.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tính toán, cân đối nguồn vốn trong và ngoài nước cho kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm; tìm biện pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm

    Tạo điều kiện thuận lợi để các hội hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp phần mềm, bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực này.

    Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong nước xúc tiến thị trường, chuyển giao tri thức và công nghệ. Khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, sản xuất và kinh doanh phần mềm ở Việt Nam.

    3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật.

    Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các công việc sau đây :

    - Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ và quyền tác giả về phần mềm nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm.

    - Tăng cường năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin.

    - Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ tư vấn pháp lý. 

    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong toàn xã hội nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm. Thực thi bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực này.

     - Nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp về xuất bản, kiểm tra xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm phần mềm.

    - Công bố các số liệu thống kê về công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.

    4. Mở rộng thị trường.

    Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xúc tiến thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm trong nước mở chi nhánh và văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu lao động phần mềm.

    Khuyến khích các cơ quan, các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm trong nước. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm công nghiệp phần mềm nước ngoài đầu tư, mở chi nhánh và văn phòng đại diện ở Việt Nam.

    Về đầu


     

    Trích Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về việc Xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm

  • Mục tiêu xây dựng và phát triển

     

  • Nội dung và biện pháp xây dựng và phát triển

     

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)